Thế giới 24h

Những dấu ấn nổi bật của Giáo hoàng Francis tại Vatican

Hoài Phương 22/04/2025 06:42

(CLO) Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, biểu tượng của sự khiêm nhường và cải cách, đã qua đời ở tuổi 88 sau hơn một thập kỷ lãnh đạo tại Vatican.

Giáo hoàng Francis, tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio, đã khép lại hành trình gần một thế kỷ sống và phục vụ đức tin. Cuộc đời ông là chuỗi hành trình từ thủ đô Buenos Aires bụi bặm của Argentina đến đỉnh cao quyền lực của Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Dưới đây là những cột mốc quan trọng của ông tại Vatican:

untitled(9).png
Giáo hoàng Francis có bài phát biểu thường niên về "Tình hình thế giới" trước các thành viên của đoàn ngoại giao Vatican vào ngày 9/1. Ảnh: Vatican Media

Ngày 17/12/1936, Jorge Mario Bergoglio chào đời tại Buenos Aires, Argentina, là con trai của những người nhập cư gốc Ý.

Đến ngày 28/2/1998, Bergoglio được chọn làm Tổng giám mục Buenos Aires – vị trí cao nhất của Giáo hội tại Argentina. Trong vai trò này, ông nổi tiếng với lối sống khiêm nhường: đi lại bằng phương tiện công cộng, từ chối sống trong dinh thự sang trọng, và tự tay nấu ăn.

Ngày 21/2/2001, Đức Giáo hoàng John Paul II phong ông làm hồng y. Trong mật nghị bầu giáo hoàng năm 2005, sau khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, Bergoglio được cho là người đứng thứ hai sau ông Joseph Ratzinger – người sau đó trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.

Ngày 13/3/2013, sau khi Benedict XVI từ chức, Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng. Ông chọn tên hiệu là Francis, trở thành vị giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong suốt 1.300 năm.

Từ ngày 24 đến 26/5/2014, ông thăm Đất Thánh, trở thành giáo hoàng đầu tiên đặt vòng hoa tại mộ người sáng lập chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Ngày 18/6/2015, ông công bố thông điệp “Laudato Si”, kêu gọi hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu, lắng nghe “tiếng kêu của trái đất và người nghèo”.

Ngày 2/1/2017, ông yêu cầu các giám mục thể hiện thái độ “không khoan nhượng” với lạm dụng tình dục. Năm đó, một hồng y thân cận, George Pell, bị buộc tội tại Úc, kết án năm 2018 nhưng được tuyên trắng án năm 2020.

Ngày 28/7/2018, ông chấp nhận đơn từ chức của Hồng y Theodore McCarrick, người sau đó bị trục xuất khỏi chức linh mục vào tháng 2/2019 vì tội lạm dụng tình dục.

Từ năm 2019 đến 2022, ông liên tục bổ nhiệm phụ nữ vào những vị trí chưa từng có trong Vatican - trong các cơ quan tài chính, hành chính và thậm chí Phủ Quốc vụ khanh.

Ngày 7/3/2020, đại dịch COVID-19 khiến Giáo hoàng hủy mọi sự kiện công cộng. Ngày 27/3/2020, hình ảnh ông cô đơn giữa Quảng trường Thánh Peter vắng lặng trở thành biểu tượng của thời đại. Cuối năm, ông bị đau thần kinh tọa, lần đầu tiên bỏ lỡ các lễ nghi lớn.

Ngày 24/9/2020, ông sa thải Hồng y Becciu do cáo buộc biển thủ. Becciu bị kết án 5,5 năm tù vào cuối 2023, nhưng vẫn được tại ngoại chờ kháng cáo.

Ngày 11/1/2021, ông thay đổi luật Giáo hội, cho phép phụ nữ đảm nhận nhiều vai trò trong phụng vụ. Ngày 21/1/2021, một cựu giám đốc ngân hàng Vatican bị kết án rửa tiền, dấu hiệu mạnh mẽ chống tham nhũng.

Ngày 5/3/2021, ông thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một giáo hoàng tới Iraq, không ngừng khẳng định tầm nhìn về một Giáo hội gần gũi hơn với người nghèo, với những người bị gạt ra bên lề.

Ngày 4/7/2021, Giáo hoàng phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết và nằm viện 11 ngày để hồi phục.

Ngày 25/2/2022, ngay sau xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Giáo hoàng phá lệ ngoại giao khi đích thân đến Đại sứ quán Nga tại Vatican để bày tỏ quan ngại. Trong nhiều tháng sau đó, ngài liên tục kêu gọi hòa bình và ngày càng lên tiếng phản đối cuộc chiến.

Ngày 29/3/2023, Giáo hoàng Francis nhập viện vì viêm đường hô hấp, đến ngày 7/6 lại phải phẫu thuật bụng.

Tháng 11 cùng năm, Giáo hoàng sa thải Giám mục bảo thủ Joseph E. Strickland (Texas) và trừng phạt Hồng y Raymond Burke bằng cách đuổi khỏi căn hộ ở Vatican và cắt lương.

Ngày 14/6/2024, ông trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7, cảnh báo các lãnh đạo về rủi ro của trí tuệ nhân tạo.

Đêm Giáng sinh 24/12/2024, ngài khai mạc Năm Thánh Công giáo 2025 – giai đoạn kéo dài đến đầu năm 2026 với tinh thần tha thứ, hòa bình và khoan dung.

Ngày 21/4/2025: Vatican thông báo Giáo hoàng bị viêm phế quản nhưng vẫn duy trì lịch trình. Đến ngày 14/2, ông nhập viện, và các bác sĩ xác nhận sau đó rằng ông bị viêm phổi kép. Sau 38 ngày điều trị, Giáo hoàng được xuất viện, trước khi qua đời vào ngày 21/4.

(theo Vatican News, AJ, Reuters)

Hoài Phương