Đời sống văn hóa

Xây dựng hồ sơ di tích Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới

Thế Vũ 22/04/2025 06:47

(CLO) Tỉnh An Giang phấn đấu trong năm 2026 hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Ngày 22/4, lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Óc Eo - Ba Thê cho biết, đơn vị đang xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Nguyễn Khắc Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê, báo cáo tóm tắt giai đoạn 1 của hồ sơ đề cử di tích này đã hoàn thành tháng 4/2022. Hiện UNESCO đã thống nhất đưa Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới.

1(2).jpg
Hiện vật Óc Eo được trưng bày tại Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á” tại tỉnh An Giang vào năm 2023. Ảnh: angiang.gov.vn

Cuối năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã có kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử và mời Bảo tàng Lịch sử quốc gia lập đề cương nhiệm vụ và dự toán. Đến nay đã lựa chọn được các nhà thầu là liên danh Viện Bảo tồn di tích - Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng địa chất, di sản và môi trường (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Theo kế hoạch, gói thầu này sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2025 đến tháng 1/2026. Nội dung gói thầu là điều tra, khảo sát, hệ thống hóa nguồn tư liệu, hiện vật để xác định tính chất và giá trị của di sản Khu Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê; thăm dò, khai quật khảo cổ để bổ sung tư liệu; xây dựng bản đồ, sơ đồ phân bố di tích và phân tích mẫu vật liệu, thành phần kim loại của hệ thống di tích, di vật...

Lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Óc Eo - Ba Thê cho biết thêm, tỉnh An Giang đặt mục tiêu trong năm 2026 sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Đây là nền văn hóa vật chất của vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Nền văn hóa này có nguồn gốc bản địa, được hình thành trên nền tảng văn hóa Tiền Óc Eo ở vùng đất miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam.

Văn hóa Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện vào năm 1944. Kể từ đó đến nay, Óc Eo - Ba Thê trở thành di chỉ khảo cổ học nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam Bộ, Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc khai quật ở đây đã đưa ra ánh sáng khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam.

Năm 2012, Di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Thế Vũ