Bộ trưởng Trần Hồng Minh khảo sát thực địa, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án cao tốc
Ngày 21/4, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát thực địa, kiểm tra tình hình thực hiện hai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn).
Chuyến đi thể hiện sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Xây dựng trong việc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa hai dự án thông tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu có 3.000 km cao tốc vào năm 2025.
Hoàn thành thi công nền đường trước mùa mưa
Tròn 1 năm kể từ khi tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng chính thức khởi công, hình hài của phân đoạn đầu dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần lộ diện.
Báo cáo với Bộ trưởng Xây dựng và đoàn công tác, ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết nhằm tranh thủ thời tiết khô ráo, đơn vị thi công đã tổ chức 78 mũi thi công (gồm đào đắp nền đường, cầu và cống thoát nước), huy động 1.955 kỹ sư, nhân công và 900 thiết bị. Sản lượng thi công hiện đạt 975/6.580 tỷ đồng (tương đương 15%), phấn đấu hết năm 2025 đạt 5.062 tỷ đồng sản lượng.

Theo báo cáo, các khó khăn của dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bãi đổ thải, nguồn vật liệu và nhân lực phục vụ thi công. Dù dự án đã được chính quyền tỉnh Lạng Sơn bàn giao 55/59,8 km chiều dài toàn tuyến (đạt 93%), nhưng vẫn còn tình trạng "xôi đỗ", không liền tuyến, nhiều đoạn mặt bằng đã bàn giao nhưng nhà thầu không thể tiếp cận thi công do vướng một số hộ chưa bàn giao mặt bằng nằm giữa tuyến.
Ngoài ra, các nhà thầu cũng phản ánh tình trạng làm khó, đẩy giá… thao túng giá vật liệu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn. Giá nguyên vật liệu niêm yết thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng nhà cung cấp "bù" chi phí vào cước vận chuyển.
Đại diện các nhà thầu kiến nghị chính quyền địa phương kiểm soát giá vật liệu của các mỏ đá đảm bảo không cao hơn thông báo giá của tỉnh và áp dụng cơ chế đặc thù về việc nâng công suất các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho dự án.

Với quyết tâm cao độ, nhà đầu tư và các nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành thông tuyến lớp bê tông nhựa vào cuối tháng 12/2025, thông xe vào tháng 6/2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2/9/2026, vượt tiến độ khoảng 3 tháng so với kế hoạch.
Biểu dương cường độ làm việc hăng say của các kỹ sư, công nhân trên công trường, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng lưu ý từ nay đến cuối tháng 6 là khoảng thời gian thuận lợi để thi công. Do đó, nhà đầu tư và các nhà thầu cần tăng cường tối đa nhân sự, máy móc, thiết bị để mở thêm các mũi thi công nền đường, triển khai khoan cọc, mố cầu trên tuyến.
“Trước thời điểm 30/6, toàn bộ công tác thi công các hạng mục đào đắp, nền đường và khoan cọc phải hoàn thành để tránh tác động của mưa lũ. Trong tháng 9, phải cơ bản thông xe kỹ thuật các đoạn đường cao tốc qua huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, để hướng tới mục tiêu hoàn thành dự án trong năm nay”, người đứng đầu Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ cho các nhà thầu.
Chia sẻ về tình trạng “thừa máy, thiếu thợ” của cả hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã chủ động làm việc với Trường Cao đằng GTVT Trung ương 1, Trung ương 4 để “đặt hàng” bổ sung nguồn nhân sự lái xe, lái máy từ chính các cơ sở đào tạo này cho các đơn vị thi công.
Đánh giá cao sáng kiến biến “công trường thành thao trường” của Tập đoàn Đèo Cả, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhận định: “Đây là sáng kiến hay để sinh viên các trường cao đẳng nghề giao thông có cơ hội thực hành, nâng cao năng lực thực tế. Đề nghị Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu nhân rộng mô hình này không chỉ ở dự án cao tốc phía Bắc, mà cả các dự án phía Nam”.

Quyết tâm 2/9 khởi công giai đoạn 2 Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Báo cáo với đoàn kiểm tra tại vị trí cầu Km79+250 bắc qua sông Bằng thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đại diện nhà đầu tư cho biết nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến trong năm 2025, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động hơn 2.200 nhân sự cùng 1.141 máy móc, thiết bị, triển khai 216 mũi thi công trên toàn tuyến. Đến nay, sản lượng thi công dự án đạt 2.409/10.438 tỷ đồng (tương đương 23% giá trị hợp đồng).
“Để tăng cường sức đề kháng cho các nhà thầu trong bối cảnh chạy đua với thời gian, chúng tôi đã hỗ trợ tạm ứng thêm 10% kinh phí để bổ sung máy móc và nhân công”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.
Về công tác GPMB, đến nay tỉnh Cao Bằng đã bàn giao 757,4/820,9ha (đạt 92%). Nhằm gia tăng sản lượng và chủ động mặt bằng, nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng chi phí đền bù đất cho người dân, sớm có mặt bằng để triển khai thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hai dự án, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh hai dự án trong tháng 4/2025 và ký phụ lục hợp đồng dự án trong tháng 5/2025.
Đồng thời, ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với địa phương và nhà đầu tư để đảm bảo yêu cầu sớm triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến, bảo đảm hoàn thành đồng thời với việc thông tuyến trong năm 2025 để tránh bất cập, lãng phí.
Sau khi nghe báo cáo của các bên, Bộ trưởng Xây dựng đánh giá cao tinh thần quyết liệt, đoàn kết giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư, đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả, đồng thời yêu cầu không để vướng mắc nhỏ cản trở tiến độ chung, đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân.
Người đứng đầu ngành Xây dựng đề nghị hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng, đồng thời giải quyết dứt điểm những vướng mắc về nguồn vật liệu, bãi đổ thải, di dời hạ tầng kỹ thuật của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước 30/4/2025. Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng đề nghị hai tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 2 dự án.

“Phải hỗ trợ các nhà thầu trong công tác thi công và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để giải ngân ngồn vốn ở hai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tiếp tục đưa các giải pháp thi công, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công ”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh thi công. Các đơn vị tư vấn giám sát phải bám sát nhiệm vụ để đảm bảo tiến độ nhưng phải gắn liền với chất lượng công trình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh mục tiêu thông tuyến 2 dự án trong tháng 12/2025 và khởi công giai đoạn 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào dịp 2/9 tới đây.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ định thầu cho đơn vị thực hiện 2 tuyến đường kết nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đến cửa khẩu Tà Lùng và thành phố Cao Bằng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Ông Hồ Minh Hoàng cho biết Tập đoàn Đèo Cả đồng thuận với phương án đầu tư tuyến nối cao tốc với thành phố Cao Bằng theo phương thức PPP như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sẽ làm việc với tỉnh Cao Bằng để phối hợp: “Chúng tôi đã tâm huyết khi quyết tâm đầu tư vào các dự án đi qua các tỉnh khó khăn như Cao Bằng và Lạng Sơn. Vì vậy, cần có cơ chế đảm bảo công bằng và san sẻ rủi ro cho nhà đầu tư trong các dự án PPP”.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh bày tỏ kỳ vọng Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục hỗ trợ Cao Bằng triển khai thực hiện các dự án tuyến nối để đấu nối vào cao tốc khi hoàn thành, tối ưu hiệu qủa công trình phục vụ người dân.


Cũng trong chương trình, liên quan đến thực trạng thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn ngành giao thông, nhà đầu tư Đèo Cả kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng kết nối làm việc, tổ chức các hội thảo nhằm chuyển giao, nhập khẩu các chương trình đào tạo từ nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản…

“Tổ chức hội nghị do Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp ở các ngành lõi và các trường đại học cao đẳng nhằm xây dựng chương trình đào tạo nguồn lực quản lý vận hành khai thác, sản xuất cơ khí chế tạo… đào tạo chuyên sâu ứng dụng công nghệ mới gắn liền lý thuyết với thực tiễn như quản lý vận hành và bảo trì, xây dựng đường sắt tốc độ cao, metro (thí nghiệm đặc thù, tự động hóa - thông tin tín hiệu, hệ thống điện nguồn, vật liệu mới …)”, Chủ tịch Tập đoàn kiến nghị.