Thập kỷ định hình tương lai Việt Nam, tăng trưởng phải gắn với khoa học công nghệ
(CLO) Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam
Việt Nam sẵn sàng chuyền mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia bứt phá
Tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo diễn ra vào ngày 22/4, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA) cho biết, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024.
Mức độ sôi động của các thương vụ, được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng vững chắc, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, bà Vy cho rằng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội thu hút vốn đầu tư vào các ngành nghề công nghệ cao. Một phần là do tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn duy trì ổn định. Riêng năm 2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 7,1%, cao hơn phần lớn các nền kinh tế châu Á khác. Trong năm 2024, 25 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong năm 2024, tăng 9% so với cùng kỳ.
Bà Vỹ cũng dự báo, sự tăng trưởng của Việt Nam có thể diễn ra dài hạn. Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2035, gấp 2,5 lần hiện tại, tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030. Kinh tế số hiện đóng góp 18,3% GDP, hướng tới 35% vào năm 2030.
“Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá. Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu”, bà Lê Hoàng Uyên Vy nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành.
“Trong bối cảnh hiện hay, các công nghệ và ứng dụng được nghiên cứu, phát triển một cách nhanh chóng và được áp dụng ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới, cho phép các nước đang phát triển như Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng được những tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.
Sự cải cách mạnh mẽ của Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021–2030 và Nghị quyết số 57, tập trung vào các trụ cột kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao.
Từ cải cách thị trường vốn đến định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, hạ tầng tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Những cải cách này tạo điều kiện thuận lợi cho các lối thoát vốn minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và hướng tới xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong tương lai gần.
Song song đó, Việt Nam đang trong chu kỳ đầu tư hạ tầng quy mô lớn với gần 500 tỷ USD vốn FDI đang được triển khai, bao gồm các dự án chiến lược từ Samsung, Intel, Lego và Foxconn. Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất – mà đang trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết: Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam ngày nay gắn chặt với chiến lược đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi không chỉ đầu tư vào hạ tầng vật chất mà còn xây dựng những hệ sinh thái sẵn sàng cho tương lai – nơi hội tụ tài năng số, công nghệ sâu và nguồn vốn quốc tế. Đây là thời điểm quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo linh hoạt hàng đầu châu Á”, ông Huy nói.