Thế giới 24h

NATO dựng 'bức tường máy bay không người lái' gần biên giới với Nga

Hoài Phương (theo Newsweek, Telegraph) 24/04/2025 14:18

(CLO) NATO đang bắt đầu triển khai “bức tường máy bay không người lái” dọc biên giới của liên minh quân sự này với Nga.

Một "bức tường" vô hình nhưng cực kỳ thực dụng, bao phủ bởi hàng nghìn máy bay không người lái, cảm biến, vệ tinh và AI, đang được NATO gấp rút dựng lên dọc biên giới phía đông. Mục tiêu là đối phó với Nga và cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp ở Ukraine.

Sáng kiến này có tên gọi chính thức là “Bức tường máy bay không người lái”, một mạng lưới cảnh báo sớm trải dài từ Na Uy tới Ba Lan, dùng công nghệ cao để tăng cường khả năng giám sát, răn đe và phòng thủ.

Đây là biểu tượng cho một châu Âu đang dần tự lực trong chiến lược an ninh, nhất là khi cam kết của Mỹ với NATO bị đặt dấu hỏi sau sự trở lại của Tổng thống Donald Trump.

untitled(2).png
DefSecIntel đã phát triển một hệ thống đối phó máy bay không người lái nhiều lớp Eirshield, trong đó họ đã tích hợp các giải pháp sáng tạo từ cả các đối tác Estonia và quốc tế. Ảnh: DefSecIntel

"Bức tường máy bay không người lái" này được triển khai dọc sườn phía đông của NATO với sự tham gia của các quốc gia giáp hoặc gần biên giới với Nga như Estonia, Latvia, Lithuania, Phần Lan và Ba Lan.

Mục tiêu là tăng cường khả năng giám sát, phát hiện sớm và phòng thủ ở các khu vực NATO xem là nhạy cảm về an ninh. Các máy bay không người lái trinh sát do AI điều khiển sẽ hoạt động cùng các cảm biến và trung tâm điều phối, giúp phát hiện xâm nhập, can thiệp GPS, buôn lậu và cả chiến tranh hỗn hợp.

Thủ tướng Đức sắp nhậm chức, ông Friedrich Merz, đã coi đây là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tái vũ trang. Hãng Quantum Systems, đang sản xuất hàng trăm drone mỗi tháng, là một trong những đối tác chiến lược. Họ khẳng định nếu có quyết tâm chính trị, "lớp phòng thủ đầu tiên có thể được triển khai ngay trong vòng một năm".

Ở vùng Baltic, Estonia giữ vai trò trung tâm. Tập đoàn Defence Estonia cùng các công ty như DefSecIntel Solutions, Rantelon và Marduk Technologies đang triển khai hàng loạt hệ thống chống drone đa lớp. Dự án đã được cấp 12 triệu euro trong vòng ba năm. Mục tiêu: thiết lập "nhận thức hoạt động theo thời gian thực" toàn tuyến biên giới.

"Đây là một khái niệm hoàn toàn mới, một đường biên giới bằng máy bay không người lái từ Na Uy tới Ba Lan", Bộ trưởng Nội vụ Litva Agnė Bilotaitė phát biểu. "Nó cho phép chúng tôi tự vệ trước sự khiêu khích từ các quốc gia không thân thiện".

Đức cũng đang đẩy mạnh hợp tác với công ty quốc phòng AI Helsing để tăng cường khả năng răn đe bằng cách triển khai hàng chục nghìn drone chiến đấu tại các điểm nóng. Tại Ba Lan, công trình giám sát dài 700 km, thuộc chương trình Shield-East, đã được khởi công từ đầu năm nay.

Hoài Phương (theo Newsweek, Telegraph)