Không tiêu được tiền chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ, cơ quan, địa phương
(CLO) Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, không tiêu được tiền chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ, cơ quan, địa phương.
Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp của Tổ công tác thứ 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 7 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 3 là hơn 165.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước. Trong đó, tính đến thời điểm báo cáo, còn 1 địa phương (TPHCM) chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.
Ước giải ngân tính đến ngày 31/3/2025 của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 4,69% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Chỉ có Bộ Tư pháp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình.
Các khó khăn, vướng mắc vẫn là "cố hữu"
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 cho rằng, theo số liệu báo cáo, tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương thuộc diện kiểm tra của Tổ công tác số 3 là chưa tốt.
"Với số vốn được giao chiếm tỉ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư của các nước, nếu làm không tốt, ảnh hưởng chung đến cả nước", Phó Thủ tướng đánh giá và dẫn ra số liệu, số vốn được giao cho các bộ, cơ quan, địa phương trong Tổ số 3 là 165.000 tỷ đồng, chiếm 20% của cả nước. Cho đến nay, giải ngân trung bình mới đạt 4,69%, thấp hơn tỉ lệ trung bình cả nước. Trong đó, Bộ Y tế đạt 1,64%, TPHCM đạt 3,38%.

Báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương có đưa ra các khó khăn, vướng mắc, nhưng theo Phó Thủ tướng, đó vẫn là các khó khăn, vướng mắc cố hữu, như giải phóng mặt bằng, định giá, nguyên vật liệu xây dựng… "Chúng ta cần nhận thức rõ để từ đó có giải pháp để thúc đẩy trong thời gian còn lại của năm 2025", Phó Thủ tướng đề nghị.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, cơ bản đến nay không còn vướng mắc về thể chế. Chính phủ đang hết sức cố gắng trình Quốc hội, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Như vậy, theo Phó Thủ tướng, việc chậm giải ngân, không tiêu được tiền chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ, cơ quan, địa phương.
Thời gian tới Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cao độ, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 và Công điện 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tại Hà Nam trước ngày 30/11
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp "trong trường hợp các bộ, cơ quan địa phương cần thì các đồng chí trực tiếp làm việc, đi vào từng dự án cụ thể để hướng dẫn nếu có khó khăn, vướng mắc".
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không tổ chức cấp quận, huyện. "Nếu có khó khăn, vướng mắc thì hỏi ngay Bộ Tài chính để có hướng dẫn kịp thời".
Đối với các dự án dùng vốn vay ODA, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động cùng Bộ Tài chính có phương án đàm phán khéo léo, khả thi với các nhà tài trợ để hoàn thành các thủ tục.
Bộ Tư pháp cần tập trung cao độ hoàn thành các hạng mục của dự án Trường Đại học Luật Hà Nội cơ sở 2 tại Bắc Ninh, phấn đấu khánh thành cùng các dự án khác trong cả nước nhân dịp Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước.
Bộ Y tế tập trung hoàn thành Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tại Hà Nam trước ngày 30/11/2025. Nhiệm vụ trước mắt là củng cố ngay lập tức ban quản lý dự án và tập trung cao độ nhân lực thi công 2 dự án này.