Pakistan gửi người đầu tiên ra vũ trụ cùng Trung Quốc
(CLO) Một phi hành gia người Pakistan sẽ trở thành công dân nước ngoài đầu tiên bay lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, theo thông báo mới nhất từ Bắc Kinh hôm 24/4.
Theo cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc, phi hành gia Pakistan sẽ đảm nhiệm vai trò chuyên gia xử lý tải trọng, thực hiện thí nghiệm khoa học và các công việc thường nhật trong suốt thời gian ở trên trạm.
Động thái này cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc đẩy mạnh ngoại giao vũ trụ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh khốc liệt với Mỹ trên quỹ đạo.
Sứ mệnh sắp tới được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ không gian vốn đã khăng khít giữa Trung Quốc và Pakistan. Trước đó vào năm ngoái, Pakistan đã phóng vệ tinh lên Mặt trăng bằng tàu thăm dò của Trung Quốc, cùng với các tải trọng từ cơ quan vũ trụ châu Âu, Pháp và Ý.
.png)
Amjad Ali, phó giám đốc cơ quan vũ trụ Pakistan SUPARCO, gọi đây là một “cột mốc quan trọng” đối với đất nước Nam Á này, vốn đang khơi dậy lại chương trình vũ trụ hơn 60 năm tuổi.
Pakistan dự kiến sẽ chọn 5–10 ứng viên trong tháng tới, trước khi Trung Quốc rút gọn danh sách còn hai người. Một người sẽ được huấn luyện từ 6 đến 12 tháng và có thể lên vũ trụ sớm nhất vào tháng 10/2026. Người còn lại sẽ là phi hành gia dự bị.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2021, trạm Thiên Cung, hiện là một trong hai trạm vũ trụ còn hoạt động bên cạnh Trạm Vũ trụ Quốc tế, chỉ đón tiếp phi hành gia Trung Quốc. Việc mở cửa lần này đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược quốc tế hóa chương trình vũ trụ của Bắc Kinh.
Tháng 2 vừa qua, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác không gian, tiền đề cho sứ mệnh hiện tại. Hôm 22/4, một phái đoàn từ công ty công nghệ Galaxy Space của Trung Quốc đã gặp Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif để thảo luận khả năng đầu tư vào ngành công nghiệp không gian và viễn thông Pakistan.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục vươn xa trong không gian. Hôm 24/4, ba phi hành gia thuộc sứ mệnh Thần Châu-20 sẽ được phóng từ Trung tâm Tửu Tuyền lên Thiên Cung lúc 17:17 giờ địa phương, để thay ca cho phi hành đoàn Thần Châu-19 dự kiến trở về Trái đất ngày 29/4.
Ngoài nhiệm vụ vận hành trạm, nhóm Thần Châu-20 sẽ thực hiện loạt thí nghiệm khoa học, lắp thiết bị chống mảnh vỡ không gian, và thả các sinh vật sống như cá ngựa vằn, sán dẹp và vi khuẩn streptomyces phục vụ nghiên cứu y sinh.
Trung Quốc hiện đã ký gần 200 thỏa thuận hợp tác không gian với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Mới đây, họ cho phép 7 tổ chức từ 6 quốc gia, trong đó có Pakistan, mượn mẫu vật Mặt trăng từ các sứ mệnh thám hiểm trước đây.