Tiêu điểm Quốc tế

Tên lửa Hắc Ưng, bước tiến của Mỹ trong cuộc đua siêu thanh toàn cầu

Nguyễn Khánh 27/04/2025 11:40

(CLO) Với tên gọi lấy cảm hứng từ loài quốc điểu, tên lửa siêu thanh Dark Eagle (Hắc Ưng hay Đại bàng Đen) là bước tiến chiến lược của Mỹ trong cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh toàn cầu.

Màn ra mắt của “đại bàng đen”

Sau một cuộc thử nghiệm thành công từ Trung tâm vũ trụ Cape Canaveral vào tháng 12 năm ngoái, quân đội Mỹ đã chính thức đặt tên cho tên lửa siêu thanh tầm xa của mình là Dark Eagle vào ngày 24/4 vừa qua. Một ngày sau, Dark Eagle tiếp tục có màn thử nghiệm thành công nữa sau khi được phóng từ bãi phóng số 46 của Trung tâm Cape Canaveral.

Anh 1
Tên lửa siêu thanh tầm xa Dark Eagle được quân đội Mỹ triển khai đến Trung tâm vũ trụ Cape Canaveral để bắn thử nghiệm. Ảnh: Wikipedia

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ đặt tên Dark Eagle cho tên lửa siêu thanh tầm xa này “nhằm tôn vinh loài đại bàng – một thợ săn bậc thầy nổi tiếng với tốc độ, khả năng tàng hình và sự nhanh nhẹn – nhờ sự kết hợp giữa vận tốc, độ chính xác, khả năng cơ động, khả năng sống sót và tính linh hoạt”.

Bản thông cáo giải thích thêm rằng phần "tối" (Dark) trong tên gọi của loại tên lửa ám chỉ khả năng "phá hủy năng lực của đối phương, bao gồm các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), khả năng liên lạc, hỏa lực tầm xa và các mục tiêu quan trọng/có giá trị cao".

Dark Eagle, chính thức được gọi là Long-Range Hypersonic Weapon (LRHW), là tên lửa siêu thanh phóng từ mặt đất do quân đội Mỹ phát triển, với sự hợp tác chặt chẽ giữa lục quân và hải quân.

Tên lửa sử dụng “Thân Lướt Siêu thanh Chung” (Common Hypersonic Glide Body - C-HGB), một phương tiện lướt không động lực, được đẩy lên độ cao và tốc độ siêu thanh bởi một tên lửa đẩy hai giai đoạn sử dụng nhiên liệu rắn. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, C-HGB lướt ở tốc độ siêu thanh (trên Mach 5, tương đương 6.120 km/giờ) và thực hiện các thao tác cơ động để tránh bị đánh chặn.

Hệ thống Dark Eagle bao gồm một bệ phóng di động trên xe tải, với mỗi tổ hợp gồm 4 xe tải M983, mỗi xe mang hai tên lửa trong ống phóng, cùng một xe chỉ huy. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính chính xác (INS), có khả năng được hỗ trợ bởi GPS trong giai đoạn phóng và lướt.

Các cảm biến trên C-HGB, có thể bao gồm đầu dò hình ảnh hoặc hồng ngoại, cho phép điều chỉnh đường bay trong giai đoạn cuối, đảm bảo độ chính xác tính bằng mét. Hệ thống dẫn đường được thiết kế để chống nhiễu, giả mạo tín hiệu và tác động điện từ, giúp tên lửa hoạt động hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.

dark-eagle-missile-detail.jpg
Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, Dark Eagle sẽ lướt ở tốc độ siêu thanh trên Mach 5, tương đương 6.120 km/giờ. Ảnh: DOD

C-HGB mang đầu đạn nổ mạnh thông thường, tối ưu hóa cho các cuộc tấn công động năng, có khả năng xuyên phá các mục tiêu kiên cố hoặc nằm sâu trong lòng đất. Dù không mang đầu đạn hạt nhân, tốc độ và độ chính xác của Dark Eagle mang lại hiệu quả chiến lược gần tương đương vũ khí hạt nhân đối với các mục tiêu quân sự chọn lọc.

Tầm bắn của tên lửa siêu thanh này được công bố là khoảng 2.775 km nhưng một số thử nghiệm cho thấy nó có thể đạt tới hơn 3.200 km, như trong lần phóng thử từ Hawaii đến Quần đảo Marshall vào tháng 6 và tháng 12/2024.

Bước tiến chiến lược của Mỹ

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, tên lửa siêu thanh đã trở thành tâm điểm của cuộc đua công nghệ quân sự. Với tốc độ vượt gấp nhiều lần âm thanh, khả năng cơ động cao và khó bị đánh chặn, các vũ khí siêu thanh hứa hẹn thay đổi cục diện chiến trường hiện đại.

Hiện tại, Mỹ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia đang dẫn đầu cuộc đua này.

Nga đã triển khai một số vũ khí siêu thanh, nổi bật là Avangard, Kinzhal và Zircon. Trong đó Avangard là phương tiện lướt siêu thanh được phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) như RS-28 Sarmat, đạt tốc độ lên tới Mach 20 và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Kinzhal là một tên lửa đạn đạo phóng từ không trung, đã được sử dụng trong xung đột Ukraine, đạt tốc độ Mach 10 và tầm bắn khoảng 2.000-3.000 km. Zircon, tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ tàu, đạt tốc độ Mach 8-9 và tầm bắn 1.000 km, được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền. Tuy nhiên, tính hiệu quả thực chiến của Zircon vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ.

tenlua-kinzhalcloseup-scaled.jpg
Tên lửa Kinzhal của Nga có thể đạt tốc độ Mach 10 và tầm bắn khoảng 2.000-3.000 km. Ảnh: SOFREP

Trung Quốc đã triển khai DF-17, một tên lửa đạn đạo mang phương tiện lướt siêu thanh DF-ZF (WU-14), được coi là hệ thống siêu thanh tiên tiến nhất của nước này. DF-17 đạt tốc độ Mach 10-12 và tầm bắn khoảng 1.800-2.500 km, với khả năng mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, tên lửa siêu thanh tầm xa Dark Eagle, với những thử nghiệm thành công vừa qua, đang được quân đội Mỹ xem như như một bước tiến quan trọng nhằm khôi phục ưu thế chiến lược của Washington trước các đối thủ.

So với Dark Eagle, các hệ thống của Nga có lợi thế về tốc độ (đặc biệt là Avangard) và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, mang lại sức răn đe mạnh hơn trong các kịch bản chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, Dark Eagle vượt trội về tính cơ động và độ chính xác, với tầm bắn tương đương hoặc vượt Kinzhal và Zircon. Hơn nữa, việc Mỹ tập trung vào đầu đạn thông thường giúp Dark Eagle linh hoạt hơn trong các xung đột giới hạn, tránh leo thang hạt nhân.

Trong khi đó, DF-17 có tầm bắn ngắn hơn Dark Eagle nhưng tốc độ cao hơn và khả năng mang đầu đạn hạt nhân mang lại lợi thế răn đe.

df-17.jpg
DF-17, một tên lửa đạn đạo mang phương tiện lướt siêu thanh DF-ZF (WU-14) của Trung Quốc, có thể đạt tốc độ Mach 10-12 và tầm bắn khoảng 1.800-2.500 km, với khả năng mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân. Ảnh: YouTube

Tuy nhiên, Dark Eagle được đánh giá cao hơn về độ chính xác và khả năng tích hợp đa nền tảng (đất liền, tàu mặt nước, tàu ngầm), giúp Mỹ linh hoạt hơn trong triển khai. Hệ thống dẫn đường của Dark Eagle cũng được thiết kế để chống nhiễu tốt hơn, phù hợp với các môi trường tác chiến điện tử phức tạp.

Kế hoạch triển khai và những thách thức

Lục quân Mỹ dự kiến triển khai Dark Eagle trong các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Đa vực (Multi-Domain Task Force - MDTF), với tổ hợp đầu tiên được giao cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Pháo binh Dã chiến 3 tại Căn cứ Hiệp đồng Lewis-McChord, Washington.

Anh 3 Dark Eagle-a
Tên lửa Dark Eagle rời khỏi bệ phóng. Vũ khí siêu thanh này có thể triển khai cả trên bộ, trên không và trên tàu chiến. Ảnh: US Army

Hải quân Mỹ cũng lên kế hoạch tích hợp Dark Eagle vào các tàu khu trục lớp Zumwalt vào năm 2025 và tàu ngầm lớp Virginia Block V vào năm 2028, trong khuôn khổ chương trình “Tấn công Nhanh Thông thường Tầm trung” (IRCPS), mở rộng khả năng sử dụng đa nền tảng của hệ thống siêu thanh này.

Mặc dù đạt được những bước tiến quan trọng, Dark Eagle vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là chi phí. Với giá 41 triệu USD/tên lửa, cao hơn khoảng 130% so với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn cơ động (MaRV) có khả năng tác chiến tương tự, Dark Eagle đang đối mặt với chỉ trích về hiệu quả chi phí.

Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) năm 2023 cho rằng MaRV có thể cung cấp tốc độ, tầm bắn và độ chính xác tương đương với chi phí thấp hơn và ít thách thức kỹ thuật hơn, đặc biệt trong việc quản lý nhiệt độ và bảo vệ linh kiện điện tử. Báo cáo chỉ ra rằng tên lửa siêu thanh có chi phí cao hơn một phần do sự phức tạp trong việc chế tạo hệ thống có thể chịu được nhiệt độ khắc nghiệt của chuyến bay siêu thanh (lên tới 1.600°C).

Vì thế, CBO đặt câu hỏi liệu lợi thế hoạt động của tên lửa siêu thanh có đủ để biện minh cho chi phí cao hơn, đặc biệt khi các nhiệm vụ không đòi hỏi tốc độ tấn công cực nhanh có thể được đáp ứng bởi các lựa chọn rẻ hơn như tên lửa hành trình cận âm?

Về mặt kỹ thuật, Dark Eagle cần được tích hợp vào hạ tầng quân sự hiện có, đòi hỏi sửa đổi hệ thống lưu trữ, xử lý và bệ phóng. Các rào cản ngân sách và sự quan liêu cũng làm chậm quá trình ra quyết định, ảnh hưởng đến thời gian triển khai. Tuy nhiên, với quyết tâm từ Washington và sự hợp tác chặt chẽ giữa lục quân và hải quân, Mỹ đang dần khắc phục những trở ngại này, hướng tới việc đưa Dark Eagle vào hoạt động cuối năm 2025.

Nguyễn Khánh