Bình Định: Nỗ lực thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn
(CLO) Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu trong năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80%. Đặc biệt, 11/11 địa phương của tỉnh đã ban hành phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Theo đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Bình Định cho biết, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030,13 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày (chiếm 53,08%), khu vực nông thôn phát sinh khoảng 483,38 tấn/ngày (chiếm 46,92%).
Thành phố Quy Nhơn là địa phương có lượng rác thải phát sinh lớn nhất khoảng 296 tấn/ngày, chiếm khoảng 28,73% tổng lượng rác thải toàn tỉnh; các huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) có lượng rác phát sinh thấp, trong đó, huyện An Lão phát sinh lượng rác thải thấp nhất khoảng 20,53 tấn ngày.

Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và số liệu thống kê sự gia tăng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt tăng bình quân khoảng 5% mỗi năm. Trên cơ sở đó có thể dự báo lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 1.198,57 tấn/ngày; trong đó lượng rác đô thị khoảng 653,35 tấn/ngày và nông thôn khoảng 454,22 tấn/ngày.
Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80% (đạt chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu trên đã đạt được hiệu quả khi trong năm 2024, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng so với các năm trước, đạt 93,72%; tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn ước đạt 76,79%. Đặc biệt, 11/11 địa phương đã ban hành Phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.
Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2025, nhất là nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn, các địa phương phải trang bị thêm các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị. Bên cạnh việc tăng tỷ lệ thu gom rác, các địa phương phải tăng tần suất thu gom rác. Theo đó đến hết năm 2025, ở khu vực đô thị tần suất thu gom rác tối thiểu 1 ngày/lần và khu vực nông thôn tối thiểu 2 ngày/lần.
Đối với mỗi địa phương, số lượng, chủng loại xe phải căn cứ trên tình hình cụ thể về phạm vi địa bàn, đặc điểm đường giao thông, thực trạng các xe chuyên dụng sẵn có và tổ/đội thu gom hỗ trợ từ cấp xã để lựa chọn loại xe phù hợp và tuân thủ quy định về mua sắm tài sản công.
Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, trong năm 2024, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ 95,77 tỷ đồng cho các địa phương; trong đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là 63,77 tỷ đồng; mua sắm xe chuyên dụng vận chuyển rác thải là 32 tỷ đồng để thực hiện tăng tần suất và mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt.
Chi cục cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng, phê duyệt hoặc điều chỉnh Phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH năm 2024. Trên cơ sở đó, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương xây dựng/điều chỉnh Phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, đẩy mạnh công tác thu gom, vận chuyển CTRSH khu vực nông thôn; đồng thời, rà soát lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu thu gom rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Trong năm 2025, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng triển khai thực hiện phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý của mỗi địa phương; sớm ban hành đầy đủ giá dịch vụ thu gom rác tại các hộ gia đình và giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác để đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ; tổ chức triển khai đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đầu tư các dự án Nhà máy xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.