Bắc Ninh: Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
(CLO) Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải vừa ký Quyết định số 820/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo Quyết định ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bao gồm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan trong việc quản lý CTRSH.

Đối với CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Tại hộ gia đình, cá nhân, các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Còn các khu vực công cộng, điểm tập trung dân cư, trên các tuyến đường trang bị các thùng chứa CTRSH để phân loại thành 03 loại; bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu cam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh chứa chất thải thực phẩm; màu vàng đựng CTRSH khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại, các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.
Tương tự văn phòng, trụ sở các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, Cụm công nghiệp trang bị các thùng chứa CTRSH để phân loại thành 03 loại; bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu cam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh chứa chất thải thực phẩm; màu vàng đựng CTRSH khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại.
Tại UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện, nguồn lực thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải được thực hiện riêng biệt theo tính chất của từng loại chất thải đã được phân loại nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải nguy hại, UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian do UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) quyết định và thông báo rộng rãi. Khuyến khích mỗi cộng đồng dân cư (thôn/xóm/khu phố) thiết lập ít nhất một điểm thu gom rác tái chế, chất thải nguy hại với diện tích phù hợp, có mái che, có các ngăn riêng để chứa từng loại rác thải.
Về công tác xử lý, các địa phương có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH thì chất thải rắn sau phân loại được thu gom, vận chuyển về cơ sở xử lý CTRSH để xử lý/tái chế theo tính chất của từng loại chất thải sau phân loại. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ cải tạo đất (đặc biệt đối với khu vực nông thôn); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; đối với các loại CTRSH khác còn lại được đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thu gom về các Nhà máy đốt rác phát điện để xử lý.
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, Cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.