Tin tức

'Mở đường mà tiến', 'Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm' - Khí phách Thanh niên xung phong

Minh Chí 29/04/2025 10:08

(CLO) "Địch đánh ta cứ đi. Địch phá ta lại sửa ta đi. Quyết tâm bảo vệ giao thông vận tải...", những khẩu hiệu hành động khắc sâu khí phách hiên ngang và tinh thần quả cảm của bao lớp Thanh niên xung phong (TNXP) trên những "tuyến lửa" năm xưa.

Đó là những chia sẻ ký ức đầy xúc động của ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về một thời hào hùng, nhân dịp cả nước đang hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy ác liệt, lực lượng TNXP đã không quản bom đạn, vượt qua bao khó khăn, mất mát, để góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, đã chia sẻ những ký ức xúc động về một thời hào hùng.

Góp phần trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam ruột thịt

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc dồn sức khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

"Mười năm từ 1954 đến 1964, chúng ta tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp và kiến thiết cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục", ông Vũ Trọng Kim kể lại.

Trong giai đoạn này, theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng vạn thanh niên đã hăng hái tham gia xây dựng những công trình lớn, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước. Những công trình như khu gang thép Thái Nguyên - biểu tượng của công nghiệp miền Bắc; công trình thủy nông Nậm Rốm mang nước về đồng ruộng; con đường Hạnh phúc Đồng Văn - Mèo Vạc huyền thoại; thủy điện Thác Bà thắp sáng cả vùng; hồ thủy lợi Đại Lải cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; hay các lâm trường ở Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La... đều in đậm dấu ấn của tuổi trẻ TNXP.

Không chỉ vậy, TNXP còn góp sức khôi phục các tuyến đường sắt quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Vinh, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ cho cả kinh tế và quốc phòng.

"Những trường học như Trường Thanh niên Dân tộc Hòa Bình, Khu kinh tế Thanh niên Thanh Sơn (Phú Thọ)... cũng là những minh chứng cho sự đóng góp của TNXP", Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam nói thêm.

Với hai kế hoạch 5 năm, miền Bắc đã có những thay đổi lớn lao, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

"Năm năm mới bấy nhiêu ngày

Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều"

Những vần thơ ấy nói lên một cách chân thực sự thay đổi của miền Bắc, trong đó có công sức không nhỏ của lực lượng TNXP.

Địch đánh ta cứ đi. Địch phá ta lại sửa ta đi...

Khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt, nhiệm vụ của TNXP càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

"Đế quốc Mỹ thua đau ở miền Nam nên quay sang đánh phá miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội", ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Đế quốc Mỹ tạo ra cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" (5/8/1964) để có cớ ném bom các tuyến đường, các khu kinh tế, quốc phòng trọng điểm. Đặc biệt, chúng tập trung đánh phá ác liệt các tuyến giao thông huyết mạch như đường 1A, đường 7, đường 12A, đường sắt, cầu phà, cảng biển.

"Thủ đoạn của địch là đánh phá liên tục các trọng điểm giao thông để ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam", ông Kim giải thích.

Trước tình hình đó, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. "Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước", Bác khẳng định.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, lực lượng TNXP đã sát cánh cùng bộ đội, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến, ngày đêm bám trụ, giữ vững mạch máu giao thông. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 71/CT-TTg thành lập các Tổng đội, Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, trực thuộc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, để phục vụ công tác giao thông vận tải, phục vụ tiền tuyến.

Nhiệm vụ của TNXP trong giai đoạn này vô cùng gian khổ và hiểm nguy như: xây dựng công trình quốc phòng, kinh tế; sửa chữa cầu đường bị phá hoại; đảm bảo giao thông thông suốt; vận chuyển hàng hóa; cứu chữa phương tiện bị địch đánh phá; và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các tuyến đường, cầu phà.

"Với tinh thần 'Ở đâu có địch phá, ở đó có TNXP', lực lượng TNXP đã dũng cảm bám trụ, ngày đêm sửa chữa đường sá, cầu phà, đảm bảo mạch máu giao thông luôn được thông suốt", ông Vũ Trọng Kim xúc động nhớ lại.

Bằng nỗ lực và quyết tâm của mình, lực lượng TNXP anh hùng đã làm nên những điều kỳ diệu, giữ vững tuyến chi viện cho miền Nam. Họ đã xây dựng nhiều tuyến đường mới, đường tránh, đường vòng, khiến cho địch không thể ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc. "Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta lại sửa ta đi và địch phá ta cứ đi" đã trở thành khẩu hiệu hành động bất hủ của TNXP trên những "tuyến lửa".

"TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", ông Kim tự hào chia sẻ.

unnamed.jpg
Hình ảnh các thanh niên xung phong tải đạn ra tiền tuyến - Ảnh: Tư liệu

Ở miền Nam, hòa chung khí thế với phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc, Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam đã phát động phong trào "Năm xung phong" chống Mỹ cứu nước.

Với những phong trào như: Xung phong diệt nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân diệt giặc; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị, chống bắt lính; Xung phong lao động sản xuất nông nghiệp trong nông hội, Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam từ khi thành lập đã phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho các hoạt động quân sự, các trận đánh lớn, đồng thời giáo dục đoàn viên thanh niên trong thực tế chiến đấu.

Phong trào "Năm xung phong" đã thổi bùng lên khí thế sục sôi của tuổi trẻ miền Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Điều này đã đáp ứng tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần quyết tâm đánh bại quân xâm lược: "Chúng ta đã thắng Mỹ trong chiến tranh đặc biệt nhưng đế quốc Mỹ rất ngoan cố, trực tiếp đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, tình hình sắp tới sẽ khó khăn, ác liệt hơn, dù tình hình khó khăn đến thế nào thì chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng Mỹ xâm lược".

Chỉ tính riêng trong 10 năm (1965-1975), lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung đã huy động 143.391 cán bộ, chiến sĩ. Cùng với lực lượng TNXP ở các địa phương, tổng cộng có tới 271.000 người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Tổ quốc luôn ở trong tim và hy vọng vào thế hệ trẻ hôm nay

Kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết, hàng vạn TNXP đã ngã xuống. Điều này đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc.

"Chúng ta không thể nào quên sự hy sinh của 60 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 915 tại Ga Lưu Xá (Thái Nguyên); của 13 chiến sĩ Đại đội 873 tại núi Hấp (Thanh Hóa); của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 317 bám trụ và hy sinh tại Truông Bồn (Nghệ An); của 10 chiến sĩ tiểu đội nữ tại Ngã ba Đồng Lộc; 68 chiến sĩ C5 tại đường 20 Quyết Thắng; 399 cán bộ, chiến sĩ tại đường 1C Kiên Giang…", ông Vũ Trọng Kim nghẹn ngào chia sẻ.

Ông ngậm ngùi, còn biết bao những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trên khắp các chiến trường mà chúng ta không thể kể hết tên. Sự hy sinh của họ là bất tử, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Di ảnh của 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc được phục chế và treo tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Internet
Di ảnh của 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc được phục chế và treo tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Theo ông Vũ Trọng Kim, một trong những niềm tự hào của những người TNXP trong những năm tháng kháng chiến, chính tinh thần giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo huyết mạch vận tải cho tiền tuyến luôn được nêu cao. Những người TNXP khi ấy vô cùng dũng cảm, vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy và âm thầm cống hiến sức lực vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Kim nhấn mạnh, chính những hành động bình dị ấy, khi được nhân lên bởi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trong lịch sử.

Ngày nay, những cựu TNXP luôn mong muốn giữ gìn và truyền lại hình ảnh cao đẹp ấy cho thế hệ trẻ. Dù công việc nhỏ bé, những đóng góp âm thầm, nhưng sự tận tâm rất đáng được trân trọng. Theo ông Vũ Trọng Kim, đây cũng chính là lý do mà hình ảnh Tổ quốc luôn được đặt trọn vẹn trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng trên chiếc áo xanh thanh niên - biểu tượng của nhiệt huyết và trách nhiệm.

Trong không khí cả nước đang hân hoan mừng Ngày chiến thắng, kỷ niệm 50 năm Ngày non sông liền một dải, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam không quên nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay hãy cố gắng tiếp nối truyền thống ấy một cách xứng đáng, để viết tiếp bản hùng ca của dân tộc trong thời đại mới.

Ông cho rằng, câu trả lời không nằm ở những lời nói suông mà cần được thể hiện qua trái tim nhiệt huyết và hành động cụ thể của mỗi người.

Minh Chí