Tiêu điểm Quốc tế

Canada xích lại gần châu Âu trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ

Hùng Anh 29/04/2025 15:30

(CLO) Canada đang tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh bất đồng với Mỹ. Mặc dù kịch bản Canada gia nhập EU là khó khả thi, nhưng điều này giúp Canada có thêm động lực để đối phó với chính sách thuế quan khắc nghiệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liệu Canada có thể gia nhập EU?

Thời gian gần đây, truyền thông phương Tây bắt đầu nói nhiều về khả năng gia nhập EU của Ottawa, điển hình như tờ Politico. Cả Canada và EU đều có chung các giá trị, quá khứ lịch sử và nền kinh tế phát triển. Điều này phân biệt Canada với các quốc gia khác đang muốn gia nhập liên minh, như Ukraine, Moldova và các quốc gia Tây Balkan.

Thực tế Canada và EU đã có mối quan hệ rất chặt chẽ và đang không ngừng mở rộng hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, môi trường và an ninh. Hiệp định Đối tác Chiến lược Canada-EU ký kết năm 2016, có hiệu lực từ năm 2017, tăng cường hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực, như chính sách đối ngoại và an ninh, nhân quyền, pháp quyền, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư và khủng bố.

Hiệp định Thương mại Tự do CETA Canada-EU, có hiệu lực tạm thời từ năm 2017 (vẫn đang chờ một số nước EU phê chuẩn hoàn toàn), tạo ra tác động tương đối lớn khi xóa bỏ gần 98% thuế quan giữa hai bên, tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp, nông sản, dịch vụ và đầu tư…

814-202504290828461.jpg
Quan hệ Canada-EU không ngừng được tăng cường, thúc đẩy. Ảnh: Izvestia

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về khả năng Canada gia nhập EU. Mặc dù Ottawa có mối quan hệ lịch sử, văn hóa và thể chế sâu sắc với châu Âu, bao gồm di sản chung với Pháp và Anh, như tư cách thành viên thực tế trong EU là điều gì đó nằm ngoài phạm vi của giới quan sát. Nhiều người đôi khi gọi Canada là “đối tác liên kết” trên thực tế hoặc thậm chí là “thành viên ảo của EU”.

Hiện có 09 quốc gia trong danh sách ứng cử viên của EU: Albania, Bosnia và Herzegovina, Georgia, Moldova, Bắc Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Montenegro. EU cũng coi Kosovo không được công nhận là ứng cử viên. Theo Thư ký báo chí của Hội đồng châu Âu (EC) Paula Pinho, chỉ có các quốc gia châu Âu mới có thể nộp đơn xin gia nhập theo Điều 49 của Hiệp ước EU. Tuy nhiên, tiêu chí “quốc gia châu Âu” trong Điều 49 của Hiệp ước EU không được định nghĩa rõ ràng về mặt địa lý, điều này để lại dư địa cho các quyết định mang tính chính trị hơn là thuần túy địa lý.

Trường hợp của Canada như truyền thông phương Tây đưa ra thời gian gần đây là một ví dụ thú vị mang tính giả định, nhưng cho thấy rõ rằng việc gia nhập EU không chỉ dựa vào yếu tố kinh tế hay mối quan hệ hiện tại, mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố chiến lược, chính trị, và cả tác động từ bên ngoài, hiện nay cả EU và Canada đều đang lo ngại về chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump.

Hiện nay, bản thân trong xã hội Canada và giới tinh hoa chính trị cũng có sự chia rẽ trong vấn đề này. Trong khi đảng Tự do cầm quyền có thái độ ủng hộ EU, thì phe đối lập Bảo thủ lại tập trung vào việc tăng cường hợp tác với Anh. Theo một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu Abacus Data công bố vào tháng 3, 44% người Canada ủng hộ việc nước này gia nhập EU, trong khi 34% phản đối.

Mặc dù mối quan hệ giữa Canada và EU rất tốt và có tiềm năng phát triển, nhưng việc Canada gia nhập EU sẽ gặp phải rất nhiều thử thách. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị của EU mà còn có thể tạo ra nhiều biến động trong các mối quan hệ quốc tế khác của EU. Việc tranh cãi xung quanh vấn đề này là điều dễ hiểu, và có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

EU có thể giúp Canada đối phó hiệu quả với Mỹ?

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Canada đã phải đối mặt với nhiều biện pháp thuế quan mà chính quyền Mỹ áp đặt lên thép và nhôm, khiến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia láng giềng trở nên căng thẳng. Thêm vào đó, những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc biến Canada thành “tiểu bang thứ 51” của Mỹ đã khiến Ottawa không thể không tính đến các phương án ngoại giao mới để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Giới lãnh đạo chính trị Canada đã nhận thức rõ rằng để tránh sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ, quốc gia này cần tìm kiếm các đối tác chiến lược khác. EU, với thị trường lớn và các mối quan hệ sâu rộng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, đã trở thành một lựa chọn ưu tiên.

Việc Canada tìm đến EU không chỉ đơn thuần là một phản ứng trước các chính sách bảo hộ của Mỹ, mà còn là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và ngoại giao.

Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA), ký kết vào năm 2016, đã mở ra một cơ hội lớn cho thương mại giữa Canada và EU. Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Canada tiếp cận thị trường châu Âu, mà còn giúp hai bên xây dựng một mối quan hệ vững mạnh trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, môi trường và đổi mới sáng tạo.

814-202504290828462.jpg
Căng thẳng giữa Mỹ và Canada leo thang. Ảnh: Izvestia

EU, với nền kinh tế mạnh mẽ và các chính sách đối ngoại thống nhất, có thể giúp Canada duy trì sự độc lập trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh một số quốc gia EU và Mỹ đang có các bất đồng về các vấn đề toàn cầu.

Mặc dù việc gia tăng hợp tác với EU mang lại nhiều cơ hội cho Canada, nhưng cũng không thiếu thử thách. EU không phải là một khối thống nhất hoàn toàn, và các quốc gia thành viên đôi khi có những quan điểm khác nhau về các vấn đề quan trọng. Thêm vào đó, các quốc gia EU nhỏ có thể lo ngại về việc gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia lớn như Canada, điều này có thể tạo ra một số trở ngại trong việc tăng cường hợp tác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các chính sách bảo hộ gia tăng từ phía Mỹ, EU vẫn là một đối tác chiến lược quan trọng đối với Canada. Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn trong các vấn đề quốc tế. Sự hợp tác này có thể giúp Canada đối phó với những biến động trong quan hệ quốc tế.

Mối quan hệ giữa Canada và EU đang trở nên ngày càng quan trọng, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì các yếu tố chính trị và chiến lược. Trong một thế giới toàn cầu hóa với những thay đổi nhanh chóng, việc Canada tìm kiếm sự hỗ trợ từ EU là một phần không thể thiếu trong chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo sự độc lập của mình trên trường quốc tế.

Hùng Anh