Chiêm ngưỡng 'Tây Bắc thu nhỏ' giữa lòng Thủ đô
(CLO) Chương trình “Điểm hẹn vùng cao” gồm nhiều hoạt động hấp dẫn, là dịp để du khách chiêm ngưỡng một Tây Bắc thu nhỏ giữa lòng Thủ đô.
Ngày 30/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra chuỗi hoạt động đặc sắc với chủ đề "Điểm hẹn vùng cao". Sự kiện tái hiện sinh động không gian văn hóa, chợ phiên truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc của Việt Nam.

Không gian chợ nổi bật bởi sự bài trí công phu, kết hợp trưng bày hơn 100 bức ảnh giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, con người vùng cao. Đây cũng là dịp để du khách chiêm ngưỡng một Tây Bắc thu nhỏ ngay giữa lòng Thủ đô.
Điểm nhấn của chương trình là hoạt động “Sắc màu chợ phiên” với không khí tưng bừng, rộn ràng. Tại đây, nghệ nhân các dân tộc Hà Nhì, Mông, Xinh Mun đến từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu… biểu diễn dân ca, dân vũ mừng quê hương, đất nước; giao lưu cùng du khách qua các trò chơi dân gian như đánh tu lu, đánh pao, đánh yến, đẩy gậy, đu dây…
Tại không gian chợ phiên, tỉnh Lai Châu mang tới các đặc sản nổi bật như rau củ quả, thịt trâu gác bếp, rượu men lá cùng hoạt động quảng bá du lịch địa phương.

Tỉnh Sơn La giới thiệu sản vật và ẩm thực dân tộc Thái. Các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên và huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng góp mặt với những sản phẩm thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, măng khô, miến dong, mật ong... đậm đà bản sắc dân tộc.
Đặc biệt, nghệ thuật khèn Mông - loại hình trình diễn dân gian độc đáo - được giới thiệu qua hoạt động giao lưu, hướng dẫn du khách múa khèn và trải nghiệm cùng nghệ nhân. Những âm thanh da diết, sôi nổi của khèn đưa du khách bước vào không gian văn hóa tinh thần giàu bản sắc của người Mông.
Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm như giã bánh dày, in sáp ong trên vải - nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông, cũng diễn ra ngay trong khu vực chợ, mang đến cơ hội cho du khách được tận tay tham gia, khám phá quy trình làm ra một loại sản phẩm thủ công tinh tế.
Các hoạt động tại chương trình “Điểm hẹn vùng cao” có sự tham gia của hơn 100 người là già làng, trưởng bản, nghệ nhân thuộc 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa. Ngoài ra, Ban tổ chức còn huy động hơn 60 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La), dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu).

Trong dịp nghỉ lễ này, ngoài việc giới thiệu văn hóa các dân tộc, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách tham quan tuyến điểm và trải nghiệm các gói dịch vụ du lịch.