Đời sống văn hóa

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc bất hủ 'Như có Bác trong ngày đại thắng': Nửa thế kỷ vang vọng hào khí non sông

Trung Nguyễn - Ảnh: Hà Trang 01/05/2025 11:06

(CLO) Trong không khí tháng 4 lịch sử, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên một lần nữa lại vang lên khắp phố phường, từ các sân khấu lớn, các điểm diễu binh, đến cả những bản tin truyền hình.

Tròn 50 năm sau ngày bài hát được cất lên vào chiều 30/4/1975 – đúng thời khắc đất nước hoàn toàn thống nhất – ca khúc vẫn sống mãi trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tác giả ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" Phạm Tuyên giờ đã bước sang tuổi 95. Dù sức khỏe bị ảnh hưởng bởi bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, ông vẫn dành thời gian tiếp phóng viên trong căn tập thể giản dị ở phố Vạn Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội), với sự hỗ trợ của con gái ông là nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

Tối 28/4/1975, sau khi nghe bản tin thời sự phát đi những tín hiệu đầy hy vọng về tình hình chiến sự, nhạc sĩ Phạm Tuyên ra ban công khu tập thể Khương Thượng (Hà Nội), mang theo mẩu giấy và chiếc bút chì để không đánh thức vợ con. Trong cảm xúc bồi hồi và linh cảm đặc biệt, ông viết trọn vẹn phần lời và giai điệu của bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ.

"Bài hát được sáng tác trong 2 tiếng, nhưng phải cộng với cả cuộc đời ông”, chị Phạm Hồng Tuyến thay lời tác giả chia sẻ. Theo chị, đó là kết tinh của biết bao dồn nén, hy vọng, và khát khao độc lập suốt 30 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

z6555793303298_0050d444394bce1f3782061c1577fe81(1).jpeg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên giờ đã bước sang tuổi 95.

Chiều 30/4/1975, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng đã gấp rút thu âm ca khúc để phát ngay trong bản tin đặc biệt công bố chiến thắng, đưa bài hát đến với hàng vạn người dân cả nước trong thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc. Ca khúc không chỉ lay động con tim người Việt mà còn vang vọng tại nhiều nước như Đức, Cuba, Nhật Bản, Trung Quốc…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên khéo léo chọn giai điệu và lời sao cho ngay cả người nước ngoài cũng có thể hát rõ câu “Việt Nam – Hồ Chí Minh” đúng thanh điệu tiếng Việt.

Gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Tuyên – gần 700 tác phẩm, trong đó có hơn 200 bài hát thiếu nhi – được ông chép tay cẩn thận trong một cuốn sách riêng. Mỗi bài đều được chú thích tỉ mỉ, thậm chí có minh họa bằng hình vẽ hoa phượng, cột đèn giao thông theo nội dung ca khúc. Ở trang ghi chép bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”, ông tự tay đóng khung dòng chữ: “Huân chương Lao động hạng Ba do Hội đồng Nhà nước tặng ngày 30/4/1985”.

Con gái ông, nhà báo Phạm Hồng Tuyến tiết lộ: lo sợ “bảo bối” này bị hư hỏng theo thời gian, chị từng bí mật mang đi phục chế để làm quà sinh nhật cho cha. Gia đình luôn tâm niệm giữ gìn ký ức âm nhạc để lan tỏa giá trị đến thế hệ sau.

Quan điểm của gia đình tôi là để âm nhạc đến gần khán giả nhất có thể. Mẹ tôi viết về sáng tác của bố bằng tư duy khoa học, còn tôi kể theo cách dí dỏm, giản dị – như chính con người và phong cách sáng tác của ông”, chị Tuyến chia sẻ.

Không chỉ là tác giả của những ca khúc cách mạng, Phạm Tuyên còn là “người bạn lớn” của thiếu nhi Việt Nam. Chị Phạm Hồng Tuyến vẫn tự hào khi là “nhân vật chính” trong nhiều ca khúc thiếu nhi quen thuộc. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là khi ông sáng tác bài “Trường của cháu là trường mầm non” theo “yêu sách” của con gái. Khi ấy, chị dọa sẽ không đi học nếu bố không viết bài hát cho trường mẫu giáo của mình – và thế là bài hát thân thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam đã ra đời.

Hiện tại, nhạc sĩ Phạm Tuyên sống lặng lẽ trong căn phòng riêng. Dù tuổi cao, ông vẫn giữ thói quen đọc báo, xem tin tức mỗi ngày. “TV là thứ không thể thiếu với ông. Ông thích đọc báo giấy – một thói quen suốt bao năm chưa từng thay đổi”, chị Tuyến cho biết.

z6555793296498_bfffba5042b3ca8e7ec32b9177243dd3(1).jpeg
Hiện, nhạc sĩ Phạm Tuyên sống lặng lẽ trong căn phòng riêng. Dù tuổi cao, ông vẫn giữ thói quen đọc báo, xem tin tức mỗi ngày.

Từng có thời gian ông làm cán bộ văn-thể-mỹ tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, rồi lần lượt giữ các chức vụ tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban Phát thanh Truyền hình. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012, cùng danh hiệu “Người có nhiều bài hát thiếu nhi được phổ biến nhất” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh.

Ở tuổi 95, Phạm Tuyên không chỉ là chứng nhân sống của một giai đoạn lịch sử, mà còn là người đã làm nên lịch sử ấy bằng âm nhạc. Ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” không chỉ là biểu tượng chiến thắng, mà còn là biểu tượng của niềm tin, lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc – những giá trị sẽ còn mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở Bình Giang, Hải Dương. Thuở nhỏ, ông theo cha - Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong vào Huế. Ở đây, tâm hồn ấu thơ của Phạm Tuyên chìm đắm trong âm thanh nhã nhạc cung đình và học nhạc lý phương Tây ở trường Quốc học.

Sau khi học tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông làm cán bộ phụ trách văn - thể - mỹ tại Khu học xá Trung ương (Trung Quốc). Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 1983 đến 1994, ông công tác tại Ủy ban Phát thanh Truyền hình, Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trung Nguyễn - Ảnh: Hà Trang