Giao thông

Phát huy truyền thống 'Đi trước mở đường'

Ngọc Hải 02/05/2025 06:43

(CLO) Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của thế hệ đi trước, Khu quản lý đường bộ II đã có những vận dụng sáng tạo để đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì đường bộ.

Thành lập trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1962, Cục Công trình trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (nay là Khu quản lý đường bộ II) đã giữ vững huyết mạch giao thông Bắc - Nam.

Phục hồi đường sắt Thống nhất đoạn Vinh - Minh Cầm năm 1976
Phục hồi đường sắt Thống nhất đoạn Vinh - Minh Cầm năm 1976. Ảnh: TL.

Qua đó góp phần vào những chiến công to lớn của quân và dân cả nước; đặc biệt là Đại thắng mùa Xuân 1975, non sông thu về một mối.

Hơn 1.200 cán bộ, công nhân ngã xuống để giữ vững huyết mạch giao thông Bắc - Nam

Lịch sử giao thông đường bộ từ Cục Công trình đến Khu quản lý đường bộ II gắn bó chặt chẽ với đất và người Vùng Quân khu 4, bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Đây là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình của quân khu đa dạng, là loại địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng xen kẽ và bờ biển, có dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Nơi hẹp nhất là khu vực Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) có độ dốc lớn. Từ Quan Hoá (tỉnh Thanh Hoá) kéo dài về phía Nam (TP.Thừa Thiên - Huế) địa hình có thế thiên hiểm trở đã tạo một vành đai có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế.

Ngày 27/12/1962, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ ký Quyết định số 1477/QĐ-TL, thành lập Cục Công trình (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) là đơn vị tiền thân của Khu Quản lý đường bộ II hiện nay.

Cua chữ A tại trọng điểm ATP phía Tây Quảng Bình trên đường 20 Quyết thắng.
Cua chữ A tại trọng điểm ATP phía Tây Quảng Bình trên đường 20 Quyết thắng. Ảnh: TL.

Cùng với sự ra đời của Đoàn 559, Đường 559 (đường Trường Sơn), Cục Công trình được thành lập đã góp phần thúc đẩy việc nối liền và kéo dài các con đường vận tải chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam trong những năm khởi đầu của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ.

Cục Công trình là đơn vị hậu phương trực tiếp, dự bị cho Đoàn 559 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao phó.

Từ giữa năm 1965 trở đi, Quốc lộ 1A, đường 15A liên tục bị địch đánh phá ác liệt với mưu đồ nhằm cắt đứt Quốc lộ 1A tại Đèo Ngang (ranh giới giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình) và vùng Địa Lợi, Chu Lễ trên đường 15A.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ trương “phá thế độc tuyến” nhằm giành thế chủ động trong vận tải nên đã giao cho Cục Công trình mở 3 tuyến vòng tránh, nối thẳng từ Nam Hà Tĩnh đến Bắc Quảng Bình gồm đường 21, đường 22A, đường 22B.

Giai đoạn từ năm 1964 - 1965, các tuyến giao thông ở Khu 4 đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất, chiếm tỉ lệ từ 60 - 80% số trận đánh phá vào hệ thống GTVT toàn miền Bắc.

Tất cả các cầu đường bộ, đường sắt từ Thanh Hóa vào Quảng Bình bị đánh phá liên tục, trở thành trọng điểm bị đánh phá như: cầu Ghép, cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Diễn Thành, cầu Cấm, phà Bến Thủy, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, phà Quán Hàu,...

Các tuyến đường 12, đường 20, đường Goòng Đức Thọ - Đò Vàng,... bị đánh phá, chia cắt thành nhiều đoạn.

Trước diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và yêu cầu nhiệm vụ cấp bách ở vùng tuyến đầu của miền Bắc; ngày 7/12/1965, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định đổi tên Cục Công trình thành Cục Công trình I.

Cục Công trình I có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, chỉ huy các lực lượng xây dựng cơ bản của Bộ, mở các tuyến đường chiến lược và đảm bảo giao thông vùng “cán xoong”, đóng đại bản doanh tại vùng Khu 4. Bộ điều hầu hết cán bộ của Cục Công trình chuyển vào Cục Công trình I.

Những năm 1969 - 1971, ngành GTVT đã nhanh chóng khôi phục các tuyến đường giao thông thủy bộ, đảm bảo giao thông thông suốt để góp phần vào xây dựng phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên thăm công trình xây dựng cầu Bến Thủy năm 1989.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thăm công trình xây dựng cầu Bến Thủy năm 1989.Ảnh: TL.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở vùng Khu 4, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam đã có hơn 1.200 cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong (chưa kể lực lượng thuộc địa phương quản lý) của Cục Công trình I và các đơn vị Quản lý đường bộ 6 tỉnh anh dũng hy sinh.

Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước

Sau khi đất nước thống nhất, cùng với việc chuyển đổi tổ chức Cục Công trình I thành Xí nghiệp Liên hợp Công trình I, các đơn vị trực thuộc cũng được chuyển thành công ty, xí nghiệp hoạt động theo hướng chuyên môn hóa “công xưởng hóa sản xuất, cơ giới hóa thi công và lắp ghép hóa các công trình”.

Giai đoạn cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển tiếp tục có nhiều biến chuyển trong tổ chức quản lý, chuyển đổi từ Xí nghiệp Liên hợp Công trình I (1975) thành Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng Giao thông 4 (1982), Khu quản lý đường bộ IV (1991), Cục quản lý đường bộ II (2014) và hiện nay đơn vị mang tên Khu quản lý đường bộ II (2022).

baogiaothong.mediacdn.vn-603483875699699712-2023-9-28-_sua-chua-bao-duong-ql1-bang-day-chuyen-cao-boc-tai-che-be-tong-nhua-16958730085801253939790.jpg
Cào bóc sửa chữa mặt đường Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Ảnh: TL.

Những thay đổi phù hợp, linh hoạt nhằm không ngừng bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của lịch sử, đất nước, quê hương.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Quang Thanh - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II khẳng định: “Kế thừa những bài học kinh nghiệm và truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước qua thực tiễn đảm bảo mạch máu giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu Quản lý đường II đã có những vận dụng sáng tạo trong bối cảnh mới để hoạch định tầm nhìn chiến lược trong tương lai, nâng cao năng lực lãnh đạo, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh”.

Luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó vận dụng một cách chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đơn vị trong từng thời điểm.

Trong mọi hoạt động của đơn vị, quán triệt quan điểm “Lấy dân làm gốc”, khơi dậy sức mạnh toàn dân cùng với tập thể cán bộ, công nhân lao động của đơn vị thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Trên tinh thần đó, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo, kỹ sư, công nhân viên lao động đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào thành tựu chung của ngành GTVT Khu 4 cũ (nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Hình ảnh công nhân khắc phục sạt lở do mưa lũ trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây năm 2020.
Hình ảnh công nhân khắc phục sạt lở do mưa lũ trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây năm 2020.

Hàng trăm công trình trọng điểm huyết mạch được thi công như tuyến đường sắt Hàm Rồng - Vinh, tuyến đường sắt 192 Khu Quản lý đường bộ II chuyên dụng Cầu Giát - Thái Hòa, tuyến đường bộ 15A, đường 21, đường 22A, đường 22B,... đoạn đường sắt Thống Nhất Vinh - Minh Cầm, cầu Yên Xuân, cầu Chợ Thượng, cầu Rào, cầu La Khê, Đò Vàng, cảng Cửa Lò, Bến Thuỷ, Lệ Môn, sân bay Sao Vàng, đường sắt Nam Chèm, đường Đại Cồ Việt,...

Kế thừa và phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”, những năm qua Khu quản lý đường bộ II đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ quản lý cầu đường, thực hiện chức năng chủ đầu tư, quản lý bảo trì đường bộ.

Quản lý nhà nước về đường bộ như duy tu bảo dưỡng, thu phí sử dụng đường bộ, thanh tra giao thông đường bộ,... đảm bảo giao thông, phòng, chống bão lũ.

Ngọc Hải