Giải trí

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: 'Tôi xem Địa đạo như một nén nhang tưởng nhớ những con người vĩ đại của dân tộc'

Trung Nguyễn 02/05/2025 13:46

(CLO) Sau gần một tháng công chiếu, bộ phim "Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối" đã thu về hơn 168 tỷ đồng, trở thành một hiện tượng phòng vé. Nhưng đằng sau thành công rực rỡ ấy là cả một hành trình dài bền bỉ kéo dài hơn một thập kỷ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có những chia sẻ thú vị, đầy cảm xúc về quá trình ấp ủ, thực hiện bộ phim cũng như những thông điệp sâu sắc muốn gửi gắm đến thế hệ hôm nay.

Ảnh màn hình 2025-05-02 lúc 11.24.52
Doanh thu bộ phim "Địa đạo" tính đến trưa ngày 2/5, theo số liệu của Boxofficevietnam. Ảnh: Chụp màn hình

PV: Hành trình hơn một thập kỷ thực hiện bộ phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” chắc hẳn đã trải qua nhiều thử thách. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình hình thành và phát triển dự án điện ảnh đặc biệt này?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Năm 2014, tôi có cơ hội thực hiện một dự án phim 3D ngắn dài 10 phút về địa đạo Củ Chi của anh Nam, và chính chuyến đi ấy đã mở ra cho tôi cánh cửa quý giá để phỏng vấn những cô chú du kích – những nhân chứng sống của lịch sử. Những đoạn phỏng vấn mà khán giả thấy ở cuối phim chính là tư liệu tôi thu thập được từ năm đó.

Ảnh màn hình 2025-05-02 lúc 11.46.37
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Ảnh: Wiki

Quá trình tìm hiểu sâu hơn khiến tôi nhận ra đây không chỉ là một công trình quân sự độc đáo, mà còn là biểu hiện sinh động cho một chiến lược vĩ đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt Nam hoạch định từ những năm 1941–1942. Đó là một câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ, thể hiện tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trước mọi đối thủ, dù hùng mạnh đến đâu.

Đặc biệt, tôi đã dành hai năm để hoàn thiện kịch bản, rồi tiếp tục chỉnh sửa, viết lại nhiều lần trong quá trình tìm kiếm cơ hội sản xuất. Đến năm 2022, cơ hội ấy mới thật sự đến, và nhờ vậy, hôm nay bộ phim mới có thể đến được với khán giả. Hành trình ấy kéo dài hơn 10 năm, với vô vàn khó khăn – từ việc nghiên cứu tư liệu lịch sử, xây dựng kịch bản, lựa chọn bối cảnh quay phù hợp, cho đến quá trình tuyển chọn diễn viên và ghi hình những cảnh quay phức tạp dưới lòng đất. Nhưng tất cả những điều đó đều xứng đáng để kể lại một câu chuyện điện ảnh giàu cảm xúc và tự hào.

PV: Địa đạo Củ Chi là biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc. Có phải ông muốn tái hiện lại sức mạnh chiến tranh nhân dân qua bộ phim?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Đúng vậy. Địa đạo Củ Chi là minh chứng sống động cho một cuộc chiến tranh toàn dân – nơi mà người dân trở thành chủ thể của cuộc chiến. Chính vì có được sự đồng lòng ấy, dù kẻ thù có hùng mạnh đến đâu, họ cũng không thể chiến thắng chúng ta. Tôi muốn truyền tải tinh thần ấy – vừa khiêm nhường, vừa phi thường – trong từng thước phim.

PV: Việc ghi hình trong địa đạo hẳn là một thử thách lớn?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thật sự rất khó. Địa đạo Củ Chi khá chật hẹp, tối tăm, ánh sáng gần như không có. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đến việc dựng lại địa đạo trong trường quay, nhưng vẫn không biết xử lý ánh sáng thế nào. Trong hầm chỉ có ánh sáng từ đèn pin, nến, đèn dầu lạc… Cuối cùng, chúng tôi chọn đèn dầu lạc vì hình ảnh đẹp và dễ kiểm soát hơn.

Đặc biệt, ê-kíp làm phim còn làm những đoạn hầm có thể tháo rời để đặt máy quay, và sử dụng thiết bị quay có khả năng xử lý tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu. Nhờ vậy, hình ảnh trong phim mới có được chiều sâu và chân thật như khán giả đã thấy.

Ảnh màn hình 2025-05-02 lúc 11.48.25
Hình ảnh trong bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

PV: Với quy mô như vậy, chi phí đầu tư cho bộ phim "Địa đạo" chắc hẳn rất lớn?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Đây là bộ phim có kinh phí lớn nhất tôi từng thực hiện. Tuy nhiên, nếu làm ở nước ngoài, chi phí còn cao hơn rất nhiều. May mắn là chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh TP.HCM. Họ đã cung cấp các trang thiết bị, khí tài từ thời chiến, cũng như hỗ trợ trong huấn luyện, tư vấn và đảm bảo tính chính xác lịch sử.

Ngoài ra, cả ê-kíp đều làm việc bằng tất cả tâm huyết, đặc biệt vì đây là dự án hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Có thể nói, giá trị tinh thần mà mọi người đã cống hiến đã vượt xa con số đầu tư thực tế.

PV: Với bộ phim "Địa đạo", ông muốn gửi gắm thông điệp gì đến khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi muốn bộ phim như một nén nhang tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc – những con người thầm lặng, khiêm nhường nhưng vô cùng vĩ đại. Tôi tin rằng khán giả sẽ cảm nhận rõ điều đó khi xem phim. Đặc biệt, ở phiên bản đặc biệt ra mắt dịp 30/4, tôi muốn bộ phim trở nên gần gũi hơn. Bản trước có phần nặng tính tài liệu, đòi hỏi khán giả tập trung và hiểu biết nhiều về chiến tranh.

Còn phiên bản mới, tôi giữ lại những cảnh quay rất tâm đắc – đặc biệt là phân đoạn “Bảy Theo chết” để mang lại một cái kết đầy cảm xúc, giúp mọi người suy ngẫm vì sao chúng ta có được nền hòa bình như hôm nay, và vì sao chúng ta không bao giờ được phép quên sự hy sinh ấy.

- Xin cảm ơn đạo diễn về những chia sẻ đầy tâm huyết!

Trung Nguyễn