Dự án - Đầu tư

TP HCM: Nhiều dự án hạ tầng quan trọng tiếp tục lỡ nhịp

Lê Phong 03/05/2025 15:51

(CLO) Nhiều dự án hạ tầng quan trọng của TP HCM như cải tạo rạch Xuyên Tâm hay nút giao An Phú vẫn đang bỏ lỡ các cột mốc quan trọng đã đề ra.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm: Lỗi hẹn nối tiếp lỗi hẹn

Một trong những dự án hạ tầng nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm – tuyến rạch được đánh giá ô nhiễm bậc nhất TP HCM. Tuyến rạch dài gần 9 km, đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, gồm rạch chính dài 6,7km và ba nhánh phụ dài khoảng 2,2km (rạch cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chiếm đến 14.000 tỷ đồng. Các hạng mục chính bao gồm: nạo vét lòng rạch sâu 3,5m, mở rộng bề ngang từ 20 đến 30m, xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nước mưa đồng bộ, làm mới đường giao thông hai bên rạch rộng 6m mỗi bên (hai làn xe), vỉa hè từ 3 đến 4m, cùng công viên và cây xanh tạo không gian sống trong lành, cải thiện mỹ quan đô thị.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được nhiều người dân mong chò
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được nhiều người dân mong chờ

Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào tháng 8/2024, sau đó được lùi đến tháng 11/2024, và gần đây nhất là ngày 19/4/2025. Tuy nhiên, đến phút chót, kế hoạch tiếp tục bị hoãn do thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công chưa hoàn tất.

Đến cuối tháng 4/2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây lắp XL-03 dài khoảng 1,4 km, kéo dài từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật, trị giá hơn 517 tỷ đồng. Trước đó, gói thầu này đã từng phải hủy đấu thầu do tất cả nhà thầu đều không đạt yêu cầu kỹ thuật.

Ngoài XL-03, hai gói thầu quan trọng khác là XL-01 và XL-02 phụ trách cải tạo các đoạn rạch tại quận Bình Thạnh cũng đang được lên kế hoạch khởi công vào dịp 2/9/2025.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng – yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tiến độ – vẫn đang được triển khai khẩn trương. Riêng tại quận Bình Thạnh, có hơn 197.000m2 đất cần thu hồi, ảnh hưởng đến 2.077 trường hợp. Tại quận Gò Vấp, dự án thu hồi đất từ 138 trường hợp, trong đó có 40 hộ dân bị giải tỏa hoàn toàn.

Nút giao thông An Phú: Hầm chui HC1-01 không thể thông xe đúng hạn

Không kém phần quan trọng, dự án nút giao thông An Phú tại TP Thủ Đức cũng đang là điểm nóng về tiến độ chậm trễ. Dự án được khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, mục tiêu ban đầu là hoàn thành toàn bộ vào dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, đến nay, không những mục tiêu này không đạt được, mà thời hạn mới là cuối năm 2025 cũng còn bỏ ngỏ.

Đáng chú ý nhất là hạng mục hầm chui HC1-01, dài 480 m với 4 làn xe, nằm tại nút giao giữa đại lộ Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống. Theo kế hoạch, hầm này sẽ được thông xe vào ngày 26/4/2025 để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Dù UBND TP HCM đã yêu cầu Ban Giao thông hoàn thành hạng mục trạm bơm trước ngày 29/4, đến nay công trình vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Đây là lần lỗi hẹn thứ hai của HC1-01, sau lần đầu vào dịp Quốc khánh 2/9/2024.

Đây không phải lần lỡ hẹn đầu tiên của dự án nút giao An Phú
Đây không phải lần lỡ hẹn đầu tiên của dự án nút giao An Phú

Song song với đó, hầm chui HC1-02 dài 760 m, nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ cũng mới hoàn thành khoảng 70% khối lượng thi công. Nguyên nhân chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng, trong đó đáng kể nhất là 22.000m2 đất tại đường Lương Định Của chưa thể bàn giao do chồng lấn ranh giới với dự án đô thị An Phú.

Tính đến nay, dù một số hạng mục như cầu Giồng Ông Tố và cầu Bà Dạt đã xây dựng xong, nhưng vẫn không thể khai thác vì phải chờ các phần việc liên quan hoàn thiện đồng bộ. Trong khi đó, 5 nhánh cầu vượt khác vẫn đang ở giai đoạn thi công trụ cầu.

Việc thi công kéo dài khiến giao thông khu vực nút giao An Phú thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đây là nút giao giữa nhiều tuyến huyết mạch như cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của và Đồng Văn Cống. Trung bình mỗi ngày, khu vực này phải “gồng gánh” khoảng 22.000 lượt xe container, gây áp lực cực lớn lên hạ tầng giao thông.

Lê Phong