Nghề báo

Báo chí với xu hướng 'tích cực hóa' nội dung

Phan Anh 05/05/2025 05:55

(CLO) Đối diện với xu hướng 'không có tin tức nào là tin tốt' gây lo ngại toàn cầu, các tòa soạn quốc tế đang nỗ lực giữ chân độc giả bằng cách đổi mới nội dung, tập trung vào những câu chuyện truyền cảm hứng trên đa dạng nền tảng. Tại Việt Nam, Báo Thanh Niên đã tiên phong trong việc 'tích cực hóa' nội dung, mang đến thông tin giá trị và khơi gợi cảm xúc tích cực cho độc giả.

"Tích cực hoá nội dung là DNA của chúng tôi"

Kể từ khi Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số của Reuters bắt đầu theo dõi thói quen tiêu thụ tin tức ở Anh và một số khu vực châu Âu vào năm 2012, hiện tượng ‘né tránh tin tức’ đã sớm được nhận thấy.

Xu hướng này ngày càng gia tăng, và Báo cáo năm 2024 đã chỉ ra một nhánh đáng chú ý: đó là sự né tránh tin tức có chọn lọc. Hành động này trùng hợp với sự phát triển mạnh mẽ của những nhà sáng tạo nội dung độc lập và những người có sức ảnh hưởng trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Thông điệp gửi đến các tòa soạn là rất rõ ràng: "Hãy lắng nghe khán giả của bạn - và tiếp cận họ ở nơi họ đang có mặt".

btn5.jpg
Toà soạn Báo Thanh Niên.

Và nhiều tòa soạn đang thực sự lắng nghe. Một khảo sát nhanh về các tờ báo hàng đầu thế giới cho thấy nỗ lực chung trong việc tăng cường những câu chuyện tin tức địa phương mang tính tích cực và vui vẻ, những nội dung mà độc giả có thể dễ dàng đồng cảm - ở nhiều định dạng khác nhau và trên mọi kênh truyền thông.

Trong một số trường hợp, chính việc áp dụng mô hình dựa trên nhu cầu của người dùng đã thúc đẩy việc tạo ra nhiều câu chuyện hơn với mục đích 'Truyền cảm hứng cho tôi'.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của định hướng này, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Toàn, chia sẻ: “’Tích cực hóa’ nội dung không phải là một yêu cầu tình huống, một mục tiêu mới đặt ra đối với Báo Thanh Niên. Với sứ mệnh phục vụ công tác Đoàn-Hội và định hướng cho thế hệ thanh thiếu niên, nhiệm vụ giáo dục và định hướng thông tin đã nằm sâu trong DNA của chúng tôi”.

Không đi theo lối mòn của việc chỉ phản ánh những góc khuất tiêu cực, Báo Thanh Niên chủ trương khai thác và lan tỏa những câu chuyện về lòng nhân ái, sự nỗ lực vượt khó, những tấm gương sáng trong cộng đồng.

Suốt gần bốn thập kỷ, kim chỉ nam ‘lấy cái đẹp dẹp cái xấu’ đã thấm nhuần trong từng tác phẩm báo chí, trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch trong công tác biên tập. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén trong việc phát hiện những ‘điểm sáng’ trong cuộc sống mà còn cần một trái tim ấm áp và một ngòi bút chân chính để truyền tải những giá trị đó một cách sinh động và lay động lòng người.

Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Toàn tại Lễ ký kết và triển khai Dự án ‘Cùng con đi tiếp cuộc đời’ bảo trợ trẻ mồ côi và xây nhà cho người dân sau bão số 3 (Yagi) tháng 10/2024.
Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn tại Lễ ký kết và triển khai Dự án ‘Cùng con đi tiếp cuộc đời’ bảo trợ trẻ mồ côi và xây nhà cho người dân sau bão số 3 (Yagi) tháng 10/2024.

“Ba chữ ‘Hào hiệp - Tử tế - Nhân văn’ trong khẩu hiệu hành động của Báo Thanh Niên không chỉ là những mỹ từ suông, mà là sự kết tinh của lý tưởng nghề nghiệp mà chúng tôi theo đuổi”, - ông Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh. Đó là một sự thống nhất giữa nội dung tích cực trên mặt báo và một tâm thế làm nghề trong sáng, hướng đến mục tiêu cao cả là góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thông qua những hành động cụ thể, vượt ra ngoài khuôn khổ trang báo.

Nhìn thẳng vào vấn đề và khơi gợi hành động tích cực

Trong bối cảnh công nghệ số chi phối mạnh mẽ, Báo Thanh Niên không ngừng đổi mới phương thức tiếp cận độc giả, đa dạng hóa hình thức thể hiện nội dung trên các nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, sự đổi mới này không hề đi ngược lại những giá trị cốt lõi của báo chí chính thống. Ông Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: “Chúng tôi kiên trì giữ vững giá trị chuẩn mực của thông tin, bởi đó là nền tảng vững chắc nhất của báo chí cách mạng”.

Đồng thời, việc đầu tư vào các sản phẩm nội dung mới, như video và các chuyên trang chuyên sâu như ‘Khát vọng Việt Nam’ duy trì hằng tuần trên số báo chủ nhật với cách tiếp cận tổng thể những vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam đang trong bước chuyển mình tiến vào kỷ nguyên mới, cho thấy một sự thích ứng linh hoạt của Báo Thanh Niên với nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của công chúng.

Những nỗ lực ‘tích cực hóa’ nội dung của Báo Thanh Niên không chỉ mang lại hiệu quả về mặt truyền thông mà còn tạo ra những tác động xã hội sâu sắc. Dự án ‘Cùng con đi tiếp cuộc đời’ - bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 từ tháng 9/2021 và do bão số 3 (Yagi) từ tháng 10/2024 là một minh chứng hùng hồn cho điều đó, khi báo chí không chỉ dừng lại ở việc phản ánh mà còn chủ động khơi dậy lòng trắc ẩn và kết nối cộng đồng để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2024 là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp ý nghĩa này.

Nhà báo Trần Việt Hưng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên (thứ 2 từ phải sang), nhận giải tại hạng mục
Ông Trần Việt Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên (thứ 2 từ phải sang), nhận giải hạng mục "Giải ý tưởng phát triển bền vững" với dự án "Cùng con đi tiếp cuộc đời" tại Lễ trao giải Human Act Prize 2024.

Tuy nhiên, hành trình ‘tích cực hóa’ nội dung cũng không thiếu những thách thức, đặc biệt trong việc xây dựng một đội ngũ nhân sự vừa giỏi chuyên môn, vừa có trách nhiệm và đồng điệu về tư tưởng. Ông Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng chìa khóa để vượt qua những thách thức này nằm ở sự thống nhất nhận thức và hành động từ lãnh đạo đến nhân viên, dựa trên một nền tảng đạo đức nghề nghiệp vững chắc và khả năng truyền lửa của người đứng đầu.

Nhấn mạnh về sự cân bằng trong hoạt động báo chí, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định, tập trung vào tin tức tích cực không có nghĩa là né tránh những vấn đề gai góc của xã hội. Điều quan trọng là cách tiếp cận và xử lý thông tin. Ngay cả khi phản ánh những vấn đề tiêu cực, Báo Thanh Niên luôn hướng đến việc phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp, và khơi gợi những hành động tích cực để thay đổi.

"Quan trọng là sắp xếp ưu tiên, có ý thức về liều lượng, thời điểm. Báo Thanh Niên vẫn tiên phong trong những tuyến bài điều tra, phản ánh đấu tranh chống tham những, tiêu cực, lãng phí. Và ngay cả khi chúng tôi khai thác các đề tài như tội phạm, phân tích bất cập của cơ chế quản lý kinh tế… thì bao giờ cũng mở rộng ra đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ", ông Nguyễn Ngọc Toàn cho hay.

Rappler, News24: Những làn gió mới

Để đối phó với xu hướng tin tức tiêu cực đang ngày càng gia tăng, nhiều tòa soạn trên thế giới đã chủ động thực hiện các biện pháp đổi mới trong cách tiếp cận và sản xuất nội dung.

Điển hình, một số cơ quan báo chí đã thiết lập các chuyên mục riêng biệt nhằm mang đến những câu chuyện tích cực và truyền cảm hứng cho độc giả, có thể kể đến 'Uplifting Stories' của BBC hay 'Good News Round-up' của Daily Maverick. Bên cạnh đó, các hình thức như loạt bài hàng tuần, tiêu biểu là gói ấn phẩm 'Uplift' của McClatchy và 'Constructive News' của EcoNews trên Instagram, cũng đang cho thấy hiệu quả trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng.

btn4.jpg
Rappler ra mắt ứng dụng riêng với dự án nổi bật 'Be The Good'. (Ảnh: Rappler)

Không ngừng tìm kiếm những phương thức kết nối mới với độc giả, Rappler - một trang web tin tức trực tuyến của Philippines đã đi một bước xa hơn bằng việc xây dựng cộng đồng thông qua việc ra mắt ứng dụng riêng với dự án nổi bật 'Be The Good'.

Bà Maria Ressa, đồng sáng lập Rappler, đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin trong bối cảnh truyền thông hiện nay: “Với Rappler Communities, chúng tôi cảm thấy như mình đang lấy lại tiếng nói, đòi lại sự thật và xây dựng lòng tin thực sự. Tôi nghĩ điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu bạn không tin tưởng những người mình đang trò chuyện cùng, thì cuộc đối thoại đó sẽ mang lại ý nghĩa gì?” Sự tiên phong của Rappler trong việc tương tác trực tiếp với độc giả cho thấy một hướng đi mới trong việc củng cố mối quan hệ giữa báo chí và công chúng.

Trong khi Rappler tập trung vào việc thu hút sự tham gia của cộng đồng, các tờ báo khác lại có những điều chỉnh trong ưu tiên biên tập để mang đến một bức tranh thông tin cân bằng hơn. News24 của Nam Phi là một ví dụ điển hình khi bổ nhiệm biên tập viên 'Tin mừng' đầu tiên và tổ chức 'Ngày tin tốt'. Tổng biên tập Adriaan Basson lý giải sự thay đổi này: “Bạn rất dễ rơi vào trạng thái chán nản và tuyệt vọng nếu chỉ đọc về những điều tiêu cực ở đất nước và trên thế giới. Nhưng những điều tốt đẹp cũng là một phần của câu chuyện Nam Phi".

Bằng chứng cho thấy những nỗ lực này đang mang lại kết quả tích cực, thể hiện rõ qua số lượng độc giả, thời gian họ dành cho trang báo và các số liệu về mức độ tương tác.

Phan Anh