Đời sống văn hóa

Đình Hoa Xá và câu chuyện về bà chúa Hến

T.Toàn 05/05/2025 05:49

(CLO) Đình Hoa Xá mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XVII, XVIII hiện còn bảo lưu nhiều di vật quý, có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Làng Tó (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được cả nước biết đến là làng khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, nhiều dòng họ danh giá trong thời phong kiến.

Không gian làng Tó được cho là đất linh địa, hiện vẫn còn khá dày đặc những đình chùa miếu mạo, trong đó có cụm di tích đình Hoa Xá và Minh Ngự lâu.

3(7).jpg
Đình Hoa Xá khá đặc biệt bởi các vách tường đều được thưng bằng gỗ

Theo sách “Hà Nội danh thắng và di tích”, đình Hoa Xá và Minh Ngự lâu thờ vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) cùng Đô Hồ phu nhân (còn gọi là bà chúa Hến).

Thời trẻ, tướng quân Lê Hoàn làm quan cho nhà Đinh dưới thời Đinh Tiên Hoàng, đến chức Thập đạo tướng quân. Khi quân Tống sang xâm lược nước ta năm 981, Lê Hoàn đem quân chống giặc. Chiến thắng trở về, ông lên ngôi vua, lấy tên Đại Hành Hoàng đế, là người sáng lập ra nhà Tiền Lê.

11(7).jpg
Kiến trúc ngôi đình mang đặc trưng thời Lê

Trong thời gian trị vì đất nước 24 năm, Lê Đại Hành có nhiều công lao trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.

Theo sử sách, khi Lê Hoàn đem quân qua vùng Nhuệ Giang, nhiều người theo ông đi đánh giặc và vận chuyển quân lương. Cô Đô Hồ - người mà sau này dân gian gọi là bà chúa Hến - đã đóng thuyền, góp lương thực và sáng tạo ra thứ lương khô là chè lam, giúp quân Lê Hoàn chiến thắng giặc.

1(3).jpg
Tượng ngựa đá do danh nhân Ngô Thì Nhậm cung tiến

Giặc tan, Lê Hoàn trở lại làng Tó, ban cho Đô Hồ làm quý phi. Vua cấp ruộng đất, tiền của để lập cung điện ở nơi vườn cũ, gọi là “Đô Hồ phi cung”. Sau khi vua và bà quý phi qua đời, dân làng lập đền thờ tại nơi ở của bà, dựng Minh Ngự lâu, để tưởng nhớ hai người có công với nước, với làng.

4(6).jpg
Bảng ghi danh sách người dân cung tiến xây dựng đình

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này còn nhiều dị bản khác. Trong số đó, người dân làng Tó đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện rằng, một hôm vua Lê Đại Hành qua ấp Hoa Xá, gặp một tốp phụ nữ đang làm cỏ dưới ruộng lúa. Thấy vua đi qua, ai nấy đều cúi đầu bái lạy, chỉ duy nhất một cô gái vẫn tiếp tục công việc của mình.

Hành động ấy khiến quan quân lính nổi giận, lớn tiếng trách mắng. Nhưng vua ngăn lại, dừng ngựa và hỏi: "Cô bận rộn đến mức không thể tránh đường cho ta đi qua sao? Vì sao ta cho mời, cô lại không đến?".

8(3).jpg
Trong đình có nhiều kết cấu được chạm thủng, chạm lộng hình rồng lá mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII.

Nghe vậy, cô gái liền ngẩng mặt lên tâu rằng: “Quan quân đi trên đường, em làm cỏ dưới ruộng, có làm phiền gì đến ngự giá đâu mà phải bỏ việc. Em nghe nói nhà vua đi dẹp giặc nước. Em đây cũng đang dẹp giặc cỏ. Em có việc của em, làm sao dám xen vào việc của nhà vua để nhận lời mời”.

Những lời đối đáp thông minh, sắc sảo của cô khiến nhà vua bất ngờ và không giấu được sự khâm phục trước một cô gái vừa thông minh, vừa cứng cỏi.

6(4).jpg
Đình Hoa Xá còn bảo lưu được nhiều di vật quý

Ít lâu sau, giặc tan, nhớ đến người con gái năm xưa, nhà vua cho triệu nàng vào cung, ban thưởng và phong làm quý phi. Nhưng khi đó cha vừa mất, cô gái xin phép ba năm chịu tang.

Ba năm sau, nhà vua phải thân chinh về tận làng Tó để đón cô vào cung. Điều đặc biệt là lễ cưới không diễn ra trong hoàng cung mà được cử hành ngay tại làng Tó.

Hiện nay, đình Hoa Xá và Minh Ngự lâu toạ lạc trên một khu đất bên tả ngạn sông Nhuệ. Đình quay hướng nam, khá bề thế, có những cây muỗm cổ thụ rợp mát bốn mùa. Kiến trúc của ngôi đình gồm 4 mái, lợp ngói mũi hài và 4 góc đao cong.

2(3).jpg
Bức đại tự được chế tác từ thời vua Thành Thái

Theo cụ thủ từ Ngô Đức Thịnh, trên thanh nóc đình Hoa Xá còn ghi rõ, đình được xây dựng từ năm 1787, ban đầu kết cấu các vách tường hoàn toàn bằng gỗ. Đến năm 1940, do mưa bão phần ống muống bị cây đổ làm sập vách tường, nhân dân mới xây lại bằng tường gạch như hiện nay.

Phía trước đình có đôi ngựa đá do cụ Ngô Thì Nhậm cung tiến. Trong đình có cửa võng, nhang án, khám thờ, kiệu rước, được chạm thủng, chạm lộng, chạm bong các hình rồng lá mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII.

Đình còn bảo lưu được đôi hạc thờ, tượng bà Đô Hồ, bia đá, thần phả, sắc phong... là những tác phẩm có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

5(5).jpg
Tượng hạc thờ mỏ vẹt rất độc đáo

Minh Ngự lâu là miếu thờ bà chúa Hến. Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm nhân dân làm lễ hội, thì tối 14 tượng và ngai của vua Lê Đại Hành cùng Đô Hồ phu nhân rước từ đình về Minh Ngự lâu. Sau khi tắm rửa, ở lại một đêm, tới sáng hôm rằm thì dân làng rước tượng trở lại đình.

Di tích Đình Hoa Xá và Minh Ngự lâu đã được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật từ năm 1994.

T.Toàn