Đầu tư - Tài chính

Vạn Phát Hưng báo lỗ 9,2 tỷ đồng quý I/2025 do không ghi nhận doanh thu bất động sản

Ngô Vũ 05/05/2025 08:45

(CLO) Năm 2024 ghi nhận lãi nhờ chuyển nhượng 2 dự án bất động sản, Vạn Phát Hưng (VPH) lại quay về chuỗi thua lỗ quen thuộc khi không có nguồn thu từ mảng kinh doanh cốt lõi trong quý đầu năm 2025.

CTCP Vạn Phát Hưng (mã VPH – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với kết quả không mấy khả quan: doanh thu thuần đạt 9,16 tỷ đồng (tăng 35,9%) nhưng lợi nhuận sau thuế âm 9,2 tỷ đồng, chỉ cải thiện nhẹ so với khoản lỗ 14,77 tỷ đồng cùng kỳ.

Doanh thu tăng 35,9% nhưng vẫn lỗ 9,2 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp chỉ còn 2,4%

Trong quý đầu năm, dù doanh thu tăng nhưng hiệu quả kinh doanh lại không cải thiện. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,9% xuống chỉ còn 2,4%, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 0,22 tỷ đồng – giảm tới 62,4% so với cùng kỳ. Khoản này không đủ để bù đắp chi phí tài chính (6,04 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (10,41 tỷ đồng), dẫn đến khoản lỗ ròng 9,2 tỷ đồng.

img_1664.jpeg
Vạn Phát Hưng (VPH) quay trở lại thua lỗ do không có doanh thu BĐS trong Quý I/2025 (Ảnh TL)

Về cơ cấu tài chính, doanh thu tài chính giảm 12,8% còn 6,71 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh 54,2% do công ty đã tất toán phần lớn nợ vay đến hạn. Tuy nhiên, chi phí quản lý lại tăng 4,5%, gây thêm áp lực lên lợi nhuận.

Trong kế hoạch năm 2025, Vạn Phát Hưng đặt mục tiêu doanh thu 157,89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23,15 tỷ đồng. Với kết quả quý I, công ty mới đạt 5,8% doanh thu và đang lỗ nặng, khiến mục tiêu cả năm trở nên rất xa vời.

Cũng cần nhắc lại, năm 2024 công ty từng lãi lớn 129,5 tỷ đồng – chủ yếu nhờ 348,6 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng vốn cổ phần, trong khi doanh thu thuần chỉ đạt 47,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động cốt lõi vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp.

Tổng tài sản giảm 173 tỷ đồng, tiền và phải thu ngắn hạn lao dốc

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của Vạn Phát Hưng giảm 9% so với đầu năm, còn 1.758,7 tỷ đồng, chủ yếu do hai khoản mục lớn sụt giảm: tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 27% còn 138,64 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn giảm 13,1% còn 788,7 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản hiện tại vẫn tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn (44,8% tổng tài sản), phải thu dài hạn (13,1%), tồn kho (11,6%), và tài sản dở dang dài hạn (8,7%).

Sự suy giảm mạnh ở các khoản mục có tính thanh khoản cao như tiền và đầu tư tài chính cho thấy áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp trong ngắn hạn là đáng lo ngại, nhất là khi hoạt động kinh doanh bất động sản – vốn chiếm tỷ trọng lớn – không ghi nhận doanh thu trong kỳ.

Ngô Vũ