Trưng bày 87 bảo vật quốc gia tại Đại lễ Vesak 2025
(CLO) Lần đầu tiên, toàn bộ 87 bảo vật quốc gia thuộc lĩnh vực Phật giáo được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hướng tới Đại lễ Vesak 2025, ngày 5/5, triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Triển lãm giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một triển lãm công bố tới công chúng thông tin, mô hình 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. Các bảo vật quốc gia này đều là những hiện vật vô giá, phản ánh chiều sâu lịch sử và tư tưởng Phật giáo Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng các tượng Phật, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ, mộc bản, sắc phong được lưu giữ tại các di tích và tự viện lớn từ Bắc vào Nam.
Trong đó có thể kể đến pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Pháp) được cho là có nguồn gốc từ chùa Báo Ân - một trong những ngôi chùa lớn nhất Hà Nội thế kỷ XIX. Trong bối cảnh chiến tranh giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp, chùa bị tàn phá và pho tượng được Gustave Dumoutier đưa về Pháp, sau đó hiến tặng cho bảo tàng vào năm 1889.
Hay như tượng Tuyết Sơn chùa Mía ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) - một tác phẩm điêu khắc Phật giáo đặc sắc, tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ thành Phật.
Nghệ thuật tạo hình với các nếp gấp áo, khối lõm thân thể và cấu trúc khung xương đã khắc họa chân thực một giai đoạn đầy thử thách trong hành trình tu tập của Đức Thích Ca.
Tượng Tuyết Sơn chùa Mía là biểu tượng của tinh thần kiên định và quá trình tìm kiếm chân lý, đồng thời là minh chứng cho trình độ tạo hình điêu luyện và tư tưởng Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam thế kỷ XVII.
Ngoài ra, một số hiện vật được phục dựng công phu, tiêu biểu như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ba pho tượng Phật Tam thế chùa Linh Ứng... Những bảo vật này đại diện cho các thời kỳ du nhập, hình thành và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam.

Bên cạnh việc trưng bày 87 bảo vật quốc gia, triển lãm còn giới thiệu hệ thống hình ảnh, tư liệu và trích đoạn thuyết minh nhằm làm nổi bật giá trị đặc biệt của các hiện vật đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng, tự viện và di tích trên cả nước.
Các bảo vật không chỉ dừng lại ở tượng thờ, phù điêu hay pháp khí mà còn bao gồm kinh sách cổ, mộc bản, hiện vật thờ tự... mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo của các triều đại Lý. Đây không chỉ là những di sản vật chất quý giá mà còn là minh chứng sinh động về vai trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Việt qua các thời kỳ.