Kinh tế vĩ mô

Nghị quyết 68‑NQ/TW: Chiếc ‘chìa khóa’ tháo gỡ thể chế để kinh tế tư nhân tăng tốc

Việt Vũ 06/05/2025 08:22

(CLO) Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) nhấn mạnh: Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ ‘chiếc khóa’ thể chế, mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới.

Mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế nhân. Theo ông, Nghị quyết 68 đã có những thông điệp quan trọng nào để “nuôi dưỡng” khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

- Nghị quyết 68‑NQ/TW (Nghị quyết 68) chính là bước ngoặt chính sách đầu tiên sau gần 7 năm, kể từ Nghị quyết 10/2017 về kinh tế tư nhân được ban hành. Thế nhưng, lần này Bộ Chính trị nâng khu vực tư nhân lên vị thế “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, một cụm từ rất giàu tính khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tôi đặc biệt ấn tượng với ba thông điệp của Nghị quyết 68.

z6570422489717_c9e5a78a92feeacc38cb4bc9cef0a6d2.jpg
TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. (Ảnh: ST)

Ở góc độ doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tôi đặc biệt ấn tượng với ba thông điệp của Nghị quyết 68.

Thứ nhất, Nghị quyết đã chuyển dịch tư duy, xóa bỏ mọi định kiến đối với kinh tế tư nhân, thừa nhận doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Thứ hai, Nghị quyết đặt ra mục tiêu định lượng rõ ràng, đến 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55‑58 % GDP, năng suất lao động tăng 8,5‑9,5 %/năm; tầm nhìn 2045 vượt 3 triệu doanh nghiệp và trên 60 % GDP

Thứ ba, thông điệp “song hành xanh‑số”, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đưa năng lực công nghệ vào nhóm 3 ASEAN, 5 châu Á trước năm 2030.

Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn đặt doanh nghiệp tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới.

Điều khoản tâm đắc nhất đó là “bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng”.

Tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị đã đặt nhiệm vụ về cắt bỏ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao khiến cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất.

Thực tế cho thấy, hơn 82 % lao động đang làm việc trong khu vực tư nhân, song 70 % doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp truyền thống để vay vốn.

Nếu các cam kết “minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế” được luật hoá trong giai đoạn 2025‑2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.

Nghị quyết 68 đã đưa ra 2 lộ trình quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Trước mắt là đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu Châu Á. Để làm được điều này, dưới góc độ của Hanoisme, ông có đề xuất hành động nào?

- Trong giai đoạn 2025 - 2026, chính là năm hành chính điện tử và cũng là năm chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (chuẩn IFRS).

Cụ thể, trong giai đoạn này, chúng ta cần phải thành lập Trung tâm hỗ trợ số hoá hồ sơ doanh nghiệp, đồng hành cùng Cục Thuế trong thí điểm e‑invoice (hóa đơn điện tử) nâng cao.

Đồng thời thực hiện chuỗi 12 hội thảo IFRS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ký kết với 3 ngân hàng thương mại mở gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đã kiểm toán minh bạch.

Giai đoạn 2026‑2028 là giai đoạn của Quỹ Đổi mới và Xanh hoá Chuỗi giá trị. Trong giai đoạn này, cần phải góp vốn cùng thành phố lập quỹ 1.000 tỷ đồng tài trợ chuyển đổi xanh - số. Đồng thời, kết nối 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi của Samsung, Foxconn, VinFast.

Đến năm 2028 - 2030, một trong 2 giai đoạn quan trọng của Nghị quyết 68, đây cũng là giai đoạn bứt phá Top 3 ASEAN. Để làm được điều này cần phải hợp tác đại học mở Viện Công nghệ số và tuần hoàn, đào tạo 10.000 kỹ sư số. Tổ chức Diễn đàn Đầu tư tư nhân ASEAN hằng năm tại Hà Nội.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, theo ông doanh nghiệp tư nhân cần phải làm gì để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 68?

- Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ ‘chiếc khóa’ thể chế, mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới – tăng trưởng dựa trên công nghệ, giá trị xanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Muốn xứng đáng là ‘động lực quan trọng nhất’, mỗi doanh nghiệp phải sớm hành động, minh bạch, liên kết và đổi mới không ngừng. Hanoisme sẵn sàng tiên phong, cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước cụ thể hoá các mục tiêu của Nghị quyết ngay từ hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Việt Vũ