Đề xuất làm đảo xanh giữa Hồ Tây 'bất khả thi' vì sao?
(CLO) Ban Quản lý Hồ Tây chỉ ra những lý do khiến đề xuất tạo một hòn đảo nhân tạo để trồng cây xanh, thu hút sinh vật tự nhiên giữa Hồ Tây là không hiệu quả.
Mới đây, bày tỏ ý kiến đề xuất tới UBND TP Hà Nội trên nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi, một người dân góp ý TP xem xét phương án nạo vét khu vực xung quanh Hồ Tây, sau đó vun lại lượng đất, bùn để tạo thành một đảo nhỏ nằm giữa lòng hồ.
.jpg)
Mục đích của đề xuất này là nhằm trồng thêm cây xanh, tạo môi trường sinh thái tự nhiên, thu hút các loài sinh vật như chim chóc, góp phần làm đẹp cảnh quan và khẳng định vị thế "Thành phố vì Hòa bình" của Hà Nội.
Tiếp thu và phản hồi ý kiến đóng góp, Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, nhiều khó khăn và thách thức trong việc hiện thực hóa ý tưởng trên.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Hồ Tây, dự án "Nạo vét, cải tạo môi trường Hồ Tây" đã được phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 18/12/2024 của HĐND quận Tây Hồ.
Về đề xuất cụ thể của người dân, Ban Quản lý Hồ Tây đánh giá đây là một ý kiến rất hay nhưng không hiệu quả trên thực tế.
Thứ nhất, việc xây dựng một hòn đảo giữa Hồ Tây đòi hỏi phải có quy hoạch chi tiết được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ quy hoạch nào liên quan đến việc xây dựng đảo trên Hồ Tây được thông qua.
Thứ hai, Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, bùn tại Hồ Tây có tỷ lệ bùn lỏng rất cao và đang bị ô nhiễm. Việc nạo vét là cần thiết để đưa lượng bùn này ra khỏi hồ và vận chuyển đến các khu vực xử lý theo đúng quy định. Việc xử lý tại chỗ một lượng lớn bùn ô nhiễm, sau đó vun lại thành đảo giữa hồ không chỉ tốn kém chi phí mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Ban Quản lý Hồ Tây nhấn mạnh rằng, phương án lập đảo cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn một cách khoa học để đảm bảo hiệu quả thực sự về mặt môi trường cũng như tính khả thi về chi phí đầu tư.
Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 500ha, chu vi gần 15km.