Tin tức

Đề xuất giao cho cơ quan quản lý giáo dục được tuyển dụng giáo viên

Thiên An 06/05/2025 17:21

(CLO) Ngày 6/5, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung vào chính sách tuyển dụng nhà giáo. Điểm đáng chú ý là dự thảo luật đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục

Tham gia góp ý dự án Luật Nhà giáo, đa số đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục. Lý giải điều này, các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Hiện nay, Dự thảo Luật đang giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Phân tích quy định này, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum cho rằng, chỉ nên giao cho cơ quan quản lý giáo dục được chủ trì tuyển dụng, bởi các cơ quan này có chuyên môn sâu về giáo dục và nắm rõ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có thể đánh giá đúng chất lượng của đối tượng dự tuyển.

4(2).jpg
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum phát biểu.

Đồng tình với đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Mai Văn Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phân tích thêm lý do nên giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục, không nên giao cho cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, công lập do khả năng tổ chức của các nhà trường để tuyển dụng nhà giáo là khó khăn, hơn nữa sẽ khó khăn trong tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển giáo viên giữa các trường khi thừa, thiếu giáo viên.

Song, để đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào Cai đề nghị cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ, làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ giáo viên.

5(2).jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn Lào Cai phát biểu.

“Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo, xác lập cơ chế thanh, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng. Quy định rõ trách nhiệm giải trình người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ sở quản lý, cấp trên khi xảy ra sai phạm. Có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng, đặc biệt là lạm quyền, tuyển dụng không công khai, minh bạch”, Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu ý kiến.

Nêu thực tế trong tình hình hiện nay đang bỏ cấp huyện, như vậy không còn Phòng Giáo dục, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi, không còn Phòng Giáo dục thì cơ quan quản lý giáo dục của địa phương là tổ chức nào? “Cơ quan quản lý giáo dục thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng giáo viên hay là Ủy ban nhân dân cấp xã tuyển dụng giáo viên. Vì sắp tới đây chúng ta sẽ giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã tuyển dụng công chức, viên chức, còn đối với giáo viên thì sao, trong thiết kế này chưa nghĩ tới chuyện nhập xã, nhập tỉnh”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế. Đồng thời, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ vấn đề này để thiết kế chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Tranh luận xung quanh nội dung “thực hành sư phạm”

Về phương thức tuyển dụng, Dự thảo luật quy định tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc bắt buộc phải có thực hành sư phạm chưa thực sự hợp lý vì thực hành sư phạm được hiểu là thực hành các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Trong khi người học ngành sư phạm đã được thực tập sư phạm và được công nhận kết quả thực hành sư phạm. Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng chỉ ra phương thức này sẽ khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng nếu số lượng thí sinh đăng ký quá lớn.

6.jpg
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu.

Cùng ý kiến với đại biểu Đoàn Thị Lê An, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị bỏ quy định “phải có thực hành sư phạm” vì trong quá trình đào tạo sư phạm tại các cơ sở giáo dục đã có đủ thời gian cho sinh viên thực hành sư phạm nên không cần thiết phải kiểm thực, kiểm tra thực hành sư phạm trong tuyển dụng, đồng thời phù hợp theo Luật Viên chức hiện hành, phương thức tuyển dụng là thi tuyển hoặc là xét tuyển.

Tranh luận với hai đại biểu Đoàn Thị Lê An và Lê Thị Thanh Lam, đại biểu Đỗ Huy Khánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, thực hành sư phạm khi tuyển dụng là hết sức cần thiết. “Đây là một ngành đặc thù. Mà đặc thù thì thực hành sư phạm cực kỳ quan trọng, vì có những thầy cô học rất giỏi nhưng khi đứng trên bục giảng thì không dạy được. Những thầy cô phải là những người chuẩn chỉnh về kỹ năng, về kiến thức, về nghiệp vụ sư phạm. Lên lớp mà một giáo viên không biết phải làm gì trên bục giảng, lúng túng ở trên đó thì rất khó”, đại biểu Đỗ Huy Khánh phát biểu.

3(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được điều chỉnh theo hướng quy định việc tuyển dụng nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo. Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Đối với các cơ sở giáo dục khác, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo là người nước ngoài.

Thiên An