Có 21 ngân hàng tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ dành cho hạ tầng và công nghệ số
(CLO) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, có 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số.
Chiều 6/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông tin chi tiết về định hướng, cơ chế cũng như dự kiến tiến độ của gói tín dụng 500 nghìn tỷ cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, gói 500 nghìn tỷ là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng trên tinh thần triển khai gói tín dụng nông lâm, thủy hải sản rất tích cực.
Theo ông Đào Minh Tú, gói 500 nghìn tỷ triển khai cho hai đối tượng: Một là đầu tư phát triển hạ tầng và thứ hai là phát triển công nghệ số. "Đây là một trong những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, thể hiện sự đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực cho hai lĩnh vực được xem là chủ chốt, điều kiện quan trọng để tiến tới phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Muốn đạt được tăng trưởng hai con số, có lẽ hai lĩnh vực này cũng là lĩnh vực đòi hỏi phải đi trước với vốn đầu tư dài hạn, làm nền tảng cho việc phát triển các ngành nghề khác", ông Tú nói.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã triển khai, làm việc với 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia đủ số lượng 500 nghìn tỷ, tương đương khoảng 20 tỷ USD.
"Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng; 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi ngân hàng 20.000 tỷ đồng; 5 ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ hơn đăng ký 4.000 tỷ đồng", ông Tú thông tin và cho biết, thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm.
Đồng thời, gói tín dụng trên sẽ dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại chứ không phải nguồn ngân sách hay của nước ngoài.

Cần xác định rõ những đối tượng nào, thành phần nào cần đầu tư
Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú có hai vấn đề cần đặt ra. Cụ thể, so với các gói tín dụng khác thì gói này có 2 đặc điểm: Một là đã cho vay ưu đãi, dù ưu đãi nhiều hay ít, thì đều phải xác định rõ đối tượng cần đầu tư, cần vay ưu đãi để tập trung nguồn lực.
"Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, cần xác định rõ những đối tượng nào, thành phần nào cần đầu tư", ông Tú nói.
Về yếu tố thứ hai là triển khai hạ tầng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc triển khai có thời gian cũng rất dài, 5 năm, 10 năm trong khi các ngân hàng thương mại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, phải có cơ cấu và tính toán được câu chuyện bảo đảm kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.
"Do vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải có sự phối hợp với các bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các đối tượng cùng thành phần, lĩnh vực hay dự án cần sự hỗ trợ của gói này", ông Tú nêu rõ.
Cùng với đó, NHNN đã làm việc trực tiếp với các bộ và đang có những văn bản đề nghị các bộ xác định rõ hơn để các ngân hàng thương mại cũng cơ cấu được nguồn vốn huy động cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Đồng thời bảo đảm được đối tượng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra. "Chắc chắn trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ", ông Tú cho biết.