Nông dân Gia Lai nuôi giống heo lạ không ăn cám, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(CLO) Nhiều hộ dân ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) thu lãi lớn nhờ nuôi heo Broong, đáng chú ý loại heo này chỉ ăn rau, củ nếu ăn cám sẽ dễ nhiễm bệnh. Hiện sản phẩm heo Broong Đức Cơ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ.
Nhiều năm về trước, gia đình ông Nguyễn Ngọc Luyện (trú tại thôn Đông Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã tìm hiểu về giống heo Broong.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu ông Luyện nhận thấy giống heo này khá dễ nuôi, ít bệnh tật, dễ nuôi, chủ yếu ăn rau nên đã quyết định thử nghiệm.

Chia sẻ với PV, ông Luyện cho hay: “Heo Broong được nuôi thả trong môi trường bán hoang dã, chỉ ăn cỏ và rau củ, mỗi ngày hai bữa. Đáng chú ý, giống heo này nếu ăn cám sẽ dễ bị nhiễm dịch tả và có nguy cơ tử vong cao. Chính lối nuôi tự nhiên này đã giúp heo khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Giống heo này chỉ nuôi khoảng 2 tháng là có thể xuất chuồng với trọng lượng trung bình mỗi con khoảng 10 kg (giá 100.000 đồng/kg). Giống heo này nuôi nhanh, tốn ít tiền mà lãi cao”.
Hiện tại mỗi năm gia đình ông Luyện, xuất chuồng từ 80-100 con heo Broong. Ngoài ông Luyện còn có bà Nguyễn Thị Hoài (trú tại làng Triêl, xã Ia Pnôn) cũng đang nuôi ổn định giống heo này.

Theo bà Hoài, năm 2020 gia đình bà Hoài được hỗ trợ 20 triệu đồng để mua 5 con heo giống khi triển khai dự án "Phục tráng giống heo Broong Đức Cơ" sản xuất đại trà theo quy trình VietGAP. Đến nay, đàn heo của gia đình bà đã tăng lên 40 con.
“Trung bình mỗi năm, gia đình xuất chuồng khoảng 150 con heo thịt, mỗi con nặng từ 10-30 kg. Thu nhập từ việc nuôi heo Broong trên 120 triệu đồng/năm. Giống heo này rất khỏe, ít dịch bệnh và chủ yếu ăn thức ăn chuối, củ mì, rau quả và hèm rượu”, bà Hoài cho hay.
Heo Broong được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Đức Cơ nói riêng. Loài heo này được nuôi phổ biến trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 800 hộ nuôi với quy mô hơn 3.000 con.

Để bảo vệ nguồn gen heo Broong, huyện Đức Cơ đã thành lập Nông hội chăn nuôi heo Broong Đức Cơ, triển khai Dự án “Phục tráng giống heo Broong Đức Cơ; sản xuất đại trà theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm OCOP”…
Để bảo tồn và nhân rộng giống heo Broong, năm 2023, huyện Đức Cơ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai”. Mới đây, sản phẩm "Heo Broong Đức Cơ - Gia Lai" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, tăng tính cạnh tranh và khẳng định chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ cũng đã đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất và thu mua heo của bà con để chế biến các sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường.

Trước đó vào năm 2020, sản phẩm thịt heo một nắng chế biến từ thịt ba chỉ heo Broong của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 1 tấn sản phẩm heo Broong một nắng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Vũ Trọng Định - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, heo Broong đã được thuần hóa qua nhiều thế hệ và được nuôi thả tự nhiên, chủ yếu ăn cỏ và trái cây. Heo trưởng thành sau 6 tháng nuôi đạt từ 25-30kg/con, khi mới sinh có màu nâu sọc vàng và chuyển đen sau 3-5 tháng. Hiện nay, giá heo Broong hơi dao động từ 180.000 đến 220.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có thể đạt 250.000 đồng/kg.
Chính hình thức nuôi thả tự nhiên giúp người dân tận dụng điều kiện địa phương, giảm chi phí chăn nuôi và thoát nghèo bền vững. Người dân được hỗ trợ kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi theo mô hình VietGap, giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng.
Nhờ giá trị kinh tế cao mà mô hình chăn nuôi heo Broong ngày càng được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình ở Đức Cơ đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.