Tin tức

Lấy ý kiến nhân dân làm giảm thiểu xung đột, bảo đảm công bằng và minh bạch khi điều chỉnh địa giới hành chính

Quốc Trần 07/05/2025 18:15

(CLO) Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần kế thừa khoản 3 điều 110 Hiến pháp 2013 trong đó quy định phải lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Điều này sẽ làm giảm thiểu xung đột, bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quá trình điều chỉnh địa giới hành chính.

Chiều 7/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

z6577992850964_a0ba9fbf166801a9f85a95819881cbfa.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP HCM.

Giữ lại quyền của đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP HCM kiến nghị các nội dung, trong đó có: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định Chánh án Toà án nhân dân (TAND), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần nghiên cứu lại điều này vì hiện nay đường lối của đất nước thể hiện trong Hiến pháp và kiểm soát quyền lực. “HĐND là do dân cử, Tòa án và Viện KSND là nhánh của tư pháp; tôi thấy nên giữ lại quyền của đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, điều này thể hiện sự dân chủ. Từ trước đến nay quyền này phát huy rất tốt”, ông Nghĩa phát biểu.

Đáng chú ý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần xem xét lại việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 110 của Hiến pháp 2013.

Cụ thể, theo quy định Khoản 3 Điều 110 của Hiến pháp 2013: Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. “Đây là quy định rất hay, Đảng cũng xác định ngày càng dân chủ hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy nhiên, hiện nay lại sửa đổi bỏ nội dung “lấy ý kiến Nhân dân địa phương”, ông Nghĩa nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc lấy ý kiến Nhân dân có thể phức tạp hơn, tốn thời gian hơn, tốn công sức hơn nhưng lại dân chủ hơn. Đồng thời, có những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân địa phương gửi gắm và trong Nhân dân địa phương có nhiều thành phần, tầng lớp với những văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân sẽ tốt hơn.

5c7ca228-06fd-488d-b9cc-42f4bf368b38.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung – Đoàn Yên Bái.

Lấy ý kiến dân là biểu hiện của dân chủ cơ sở, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương

Cũng tham gia ý kiến về sửa đổi Khoản 3 Điều 110 Hiến pháp năm 2013, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung – Đoàn Yên Bái cho rằng, dưới cả ba góc độ pháp lý, quản trị nhà nước và xã hội, việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là rất cần thiết.

Cụ thể, về căn cứ pháp lý: Hiến pháp năm 2013 quy định rõ ràng việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.

Cùng với đó, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành (Luật số 65/2025/QH15) và Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 cũng quy định: đề án thành lập/giải thể/nhập/chia/điều chỉnh địa giới bắt buộc lấy ý kiến cử tri ở các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Theo đó, UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu thăm dò dân ý. (Nghị định hướng dẫn thi hành cũng quy định chi tiết thủ tục lấy ý kiến tùy vào điều kiện của từng địa phương để bảo đảm linh động hơn).

Lý do quản trị nhà nước: Việc sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính nhằm đảm bảo các đơn vị có quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả quản lý, quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách địa phương. “Lấy ý kiến Nhân dân giúp các cơ quan quản lý xác định đúng nguyện vọng và nhu cầu thực tế của người dân địa phương, từ đó xây dựng phương án phù hợp hơn. Khi người dân được tham gia đóng góp, quyết định, Bộ máy nhà nước mới sẽ có sự ủng hộ cao, thuận lợi cho việc triển khai tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả điều hành”, ông Trung nhấn mạnh.

anh-223.jpg
Lấy ý kiến nhân dân làm giảm thiểu xung đột, bảo đảm công bằng và minh bạch khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Về ý nghĩa xã hội: Lấy ý kiến Nhân dân là biểu hiện của dân chủ cơ sở, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương. Qua đó nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin cho người dân vào quyết định của cấp có thẩm quyền.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, thực tế cho thấy, tỷ lệ đồng thuận trong các cuộc thăm dò ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính thường rất cao (hơn 90%), giúp xã hội ổn định khi tinh giảm bộ máy. Việc tham vấn ý kiến nhân dân làm giảm thiểu xung đột, bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quá trình điều chỉnh địa giới, góp phần củng cố đoàn kết, ủng hộ chính quyền và duy trì ổn định chính trị – xã hội.

“Tóm lại, về pháp lý hiện nay bắt buộc phải lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính”, ông Trung nhấn mạnh và phân tích thêm:

Về quản trị, đây là bước cần thiết để tối ưu hoá tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả và tính khả thi của quyết định.

Về mặt xã hội, việc lấy ý kiến giúp thực hiện nguyên tắc dân chủ, tăng đồng thuận của dân cư, tạo tiền đề vững chắc cho ổn định và phát triển địa phương.

Từ đó, đại biểu đoàn Yên Bái đề nghị kế thừa quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 110 Hiến pháp 2013 về việc phải lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Hình thức lấy ý kiến nhân dân có thể giao Quốc hội quy định cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Quốc Trần