Tin tức

Đại biểu Quốc hội: Cần thử thách 6 tháng đến 1 năm với người được tuyển dụng theo chế độ ưu đãi

Quốc Trần 07/05/2025 19:18

(CLO) Đại biểu Quốc hội đề nghị dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cần bổ sung quy định về thời gian thử thách từ 6 tháng đến 1 năm đối với người được tuyển dụng theo chế độ ưu đãi.

Chiều 7/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

z6577856685571_081d35efeebb019b443902ec081da2a9.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy - Đoàn TP Hà Nội.

Xác định người có tài năng vẫn gây tranh cãi

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy - Đoàn TP Hà Nội đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất vào dự án Luật.

Cụ thể, về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, hiện nay chưa rõ ràng. “Xác định thế nào là người có tài năng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nghị định 140 quy định chế độ thu hút, ưu đãi cho người có tài năng, như thủ khoa, người tốt nghiệp xuất sắc, hoặc đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, liệu những người này có thực sự là người có tài năng trong hoạt động công vụ hay không cần được xem xét kỹ lưỡng”, bà Thủy nói.

Cũng theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, thực tiễn cho thấy nhiều người được tuyển dụng theo Nghị định 140 vẫn cần đào tạo, hướng dẫn, và trải qua thời gian tập sự để đáp ứng yêu cầu công việc. “Vì vậy, tôi đề nghị luật bổ sung quy định về thời gian thử thách, từ 6 tháng đến 1 năm, cho người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi”, đại biểu Thủy đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, nếu không phát huy được năng lực, người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi phải rời vị trí để nhường chỗ cho người khác, thay vì giữ nguyên chỉ vì từng được coi là có tài năng. Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên thành tích trước đó.

minh lào cai
Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh - Đoàn tỉnh Lào Cai.

Đề xuất cán bộ, công chức bị phạt tù hưởng án treo sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh - Đoàn tỉnh Lào Cai cho rằng, cần tăng cường nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ (Điều 8).

Theo đại biểu Hà Đức Minh, tại khoản 4 Điều 8, dự thảo yêu cầu công chức “bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao". Tuy nhiên, quy định này chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn lãng phí, thất thoát tài sản công – một vấn đề nhức nhối trong thực tế. Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ “kịp thời phát hiện và báo cáo các hành vi sử dụng sai mục đích hoặc gây thất thoát tài sản công". Đồng thời, cần quy định rõ chế tài xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm, bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và minh bạch trong quản lý tài sản công.

Còn tại khoản 5 Điều 8, dự thảo Luật yêu cầu công chức báo cáo bằng văn bản nếu phát hiện quyết định của cấp trên trái pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Đức Minh, thực tế cho thấy nhiều công chức ngại báo cáo do lo sợ bị trù dập hoặc gây mâu thuẫn nội bộ. “Tôi đề nghị bổ sung cơ chế bảo vệ công chức báo cáo, chẳng hạn quy định bảo mật danh tính và lưu trữ báo cáo trong hồ sơ công vụ. Quy trình báo cáo cần được chuẩn hóa bằng văn bản, đảm bảo tính minh bạch và tránh lạm dụng quyền hạn từ phía cấp trên”, ông Minh đề nghị.

12.jpg
Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế.

Về hoàn thiện quy định về xếp loại đánh giá công chức (Điều 31), Đại biểu đoàn Lào Cai cho biết, tại điểm a khoản 2 Điều 31, dự thảo quy định công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị bố trí vào vị trí thấp hơn hoặc cho thôi việc. Để làm rõ thời gian áp dụng, Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “01 năm”, sửa đổi như sau: “Công chức xếp loại đánh giá 01 năm ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý xem xét bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc".

“Quy định này bổ sung cho điểm b khoản 2 Điều 31, vốn đã quy định về xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp. Việc làm rõ trường hợp 1 năm giúp đảm bảo công bằng, đồng thời thúc đẩy công chức nỗ lực cải thiện hiệu quả công việc ngay từ năm đầu tiên”, ông Minh nêu rõ.

Về siết chặt kỷ luật đối với cán bộ, công chức bị kết án (Điều 41 và Điều 42). Đại biểu Hà Đức Minh cho biết, dự thảo Luật quy định cán bộ, công chức bị Tòa án kết án phạt tù không hưởng án treo hoặc phạm tội tham nhũng sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.

“Tôi đề nghị mở rộng quy định, áp dụng cả trường hợp bị kết án phạt tù hưởng án treo. Lý do là theo quy định của Đảng, những trường hợp này thường bị khai trừ, và việc để họ tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn trong quản lý, làm giảm uy tín của cơ quan”, ông Minh đề nghị và cho rằng quy định sửa đổi sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ về việc không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào.

Quốc Trần