Tin tức

Đột phá về thể chế và phát triển bền vững

Thiên An 08/05/2025 10:01

(NB&CL) Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Trong chương trình nghị sự, Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương… Các ĐBQH kỳ vọng, việc sửa Hiến pháp lần này sẽ giúp cơ chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới tiếp tục được hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn và tạo ra một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng): Tạo ra bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Trên tinh thần đổi mới tư duy đột phá về công tác xây dựng pháp luật, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là một lộ trình trong công tác xây dựng pháp luật rất mới. Có thể nói là mở đầu cho một cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật với vai trò thẩm quyền của Quốc hội.

Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, triển khai thành chương trình cụ thể, thẩm quyền của Quốc hội tiến hành thông qua dự thảo Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp. Tôi cho rằng, lộ trình này đã được chuẩn bị một cách kỹ càng, chặt chẽ.

ĐBQH Nguyễn Tạo
ĐBQH Nguyễn Tạo.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, có nội dung đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chuyển đổi mô hình bộ máy Nhà nước tinh gọn… Việc sáp nhập các xã, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh triển khai sau ngày 1/9 thì cần có một hành lang pháp lý chuẩn mực. Tôi kỳ vọng rằng với tinh thần trách nhiệm của từng ĐBQH, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, tinh thần Nghị quyết 11 của Trung ương sẽ được triển khai có hiệu quả cao.

Từ đó sẽ giúp cơ chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới tiếp tục được hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn và tạo ra một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thành phố Huế): Nâng tầm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Dù số lượng điều, khoản, điểm trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là 8/120 điều, nhưng đó đều là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Vì vậy, các ĐBQH đều thống nhất cao với việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Khi sửa đổi những nội dung trọng tâm, thể hiện được tính đột phá, tôi kỳ vọng sau sửa đổi được thông qua sẽ nhanh chóng được triển khai và áp dụng vào thực tiễn.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu

Về các nội dung mới liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xem xét các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi cho rằng, lần sửa đổi này đã nâng tầm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác giám sát, phản biện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền… Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp được sửa đổi và có cơ chế phù hợp, tôi tin rằng, mặt trận sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình, đặc biệt là trong việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương lớn, đã đến độ chín và đã đến lúc phải triển khai thực hiện. Dự thảo Nghị quyết đã xác định chính quyền địa phương còn 2 cấp. Khi hình thành chính quyền địa phương 2 cấp, tôi rất mong muốn những điều kiện, tiêu chí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được nghiên cứu bổ sung, quy định một cách đồng bộ.

Quốc hội 3
Kỳ họp thứ chín- Quốc hội khoá XV.

ĐBQH Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Thể hiện tư duy phát triển mới

Tôi tán thành chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước. Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện tư duy phát triển mới, không chỉ dừng ở mục tiêu tinh giản đầu mối mà hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước hưng thịnh. Việc sắp xếp lại các tỉnh sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị; đồng thời tạo không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ để các địa phương, vùng miền cùng phát triển.

ĐBQH Trần Văn Khải
ĐBQH Trần Văn Khải

Để triển khai hiệu quả, tôi đề xuất quá trình sáp nhập cần có lộ trình khoa học, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân; đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý và có chính sách thỏa đáng đối với nhân sự dôi dư. Nếu làm tốt, việc sáp nhập tỉnh sẽ góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, phát huy nguồn lực và tạo động lực cho phát triển bền vững lâu dài.

Tôi tin tưởng rằng, mỗi ĐBQH sẽ làm tốt vai trò cầu nối với cử tri, chủ động đưa tiếng nói của Nhân dân vào nghị trường. Khi Quốc hội nâng cao hiệu quả giám sát và quyết sách theo hướng gần dân, kịp thời, quyết liệt, niềm tin của Nhân dân sẽ được củng cố và những vấn đề bức thiết của đất nước sẽ được giải quyết hiệu quả.

Thiên An