Góc nhìn

Siết thuốc giả, thực phẩm giả: Cần thiết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý!

Khánh An 09/05/2025 07:00

(NB&CL) Việc chống hàng giả không thể chỉ dừng ở “đuổi bắt” mà cần phòng ngừa tận gốc; trong đó, siết chặt quản lý chất lượng và cấp phép được ví như giải pháp nền tảng.

Siết hàng giả: Không chỉ dừng ở khâu “đuổi bắt”

Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, đặc biệt len lỏi trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, vấn đề đặt ra không chỉ là trách nhiệm kiểm soát của cơ quan chức năng, mà còn là lỗ hổng trong cấp phép, quản lý chất lượng sản phẩm và hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo từ người nổi tiếng. Việc chống hàng giả không thể chỉ dừng ở “đuổi bắt” mà cần phòng ngừa tận gốc; trong đó, siết chặt quản lý chất lượng và cấp phép được ví như giải pháp nền tảng.

Những ngày gần đây, hàng loạt vụ việc được lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm làm dư luận xôn xao, lo lắng, thậm chí phẫn nộ. Một đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả suốt 4 năm, lợi dụng sức khỏe cộng đồng để thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng. Câu chuyện bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu để sản xuất thuốc giả.

Hay mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 14 điểm kinh doanh trên tuyến phố Phan Văn Trường, thuộc khu Chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm là quần áo, giày dép, túi xách, ví, mũ lưỡi trai, tất chân, kính mắt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Dior, Adidas; Nike, Hermes, Channel; Louis Vuitton, Rayban, Porsche, Lacoste…

Đây chỉ là số ít trong hàng loạt vụ việc cho thấy hàng giả, hàng nhái đang len lỏi từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, sao chép mẫu mã, giả tem, mã vạch, thậm chí cả mã QR truy xuất… khiến người tiêu dùng hoang mang và mất niềm tin.

Không dừng lại ở đó, đối tượng còn tiếp cận và mượn danh với nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhất là cá nhân có sức ảnh hưởng (KOL, KOC) trên nền tảng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu các nghệ sỹ Việt vướng vào những ồn ào liên quan đến quảng bá sản phẩm sai công dụng, thổi phồng sự thật hoặc tiếp tay cho mặt hàng không rõ nguồn gốc.

Đơn cử, cuối năm 2024, đầu năm 2025, kẹo rau Kera - sản phẩm được quảng bá “một viên kẹo bằng một đĩa rau” bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội. Chỉ sau vài tuần, hàng trăm nghìn hộp được tiêu thụ nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ từ các KOLs như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên…

Tuy nhiên, sau khi vụ việc bị phát giác, kiểm nghiệm cho thấy mỗi viên kẹo Kera chỉ chứa 0,016g chất xơ, thấp hơn hàng chục lần so với mức tối thiểu cần thiết để được gọi là bổ sung chất xơ. Thông tin ghi trên nhãn mác và nội dung quảng cáo đều không đúng sự thật.

67ffbd15b077b44d8caa388b-1745051449501317132902.jpg

Luật còn nương tay, còn nhiều thực phẩm giả

Theo các chuyên gia, hiện các quy định ràng buộc vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều lỗ hổng. Lợi dụng kẽ hở đó, các đối tượng gian thương thực hiện trót lọt hành vi trục lợi từ sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua liên tục xảy ra các “đại án” về thực phẩm giả như hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất, đường dây 573 sản phẩm sữa giả, hay đường dây hàng trăm tấn gia vị giả… Đây là những vụ việc xảy ra trên quy mô toàn quốc trong nhiều năm, gây ra tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.

PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh: “Đánh đồng sữa giả với thực phẩm chức năng là sự hiểu lầm tai hại. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, sữa tăng cường vi chất là thực phẩm tăng cường (Fortification Food). Đây là thực phẩm cộng thêm chất dinh dưỡng vào thực phẩm truyền thống. Trường hợp này, sữa bột là “thực phẩm mang”, quá trình chế biến hòa trộn đồng nhất các vi chất trong sữa. Còn thực phẩm chức năng cũng có dạng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (bổ sung vitamin và chất khoáng), nhưng không trộn lẫn vào thực phẩm thông thường mà được đóng thành khẩu phần riêng ở dạng viên, bột hoặc dung dịch.”

Tuy nhiên khi đối chiếu với quy định hiện hành, định nghĩa “thực phẩm tăng cường” mà PGS.TS Trần Đáng nói tới lại không được gọi tên trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo PGS.TS Trần Đáng, nên tham khảo định nghĩa của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) và các nước trên thế giới để bổ sung, phân loại cho đúng thực phẩm tăng cường và thực phẩm chức năng. Đây cũng là nền tảng để cơ quan quản lý có thể phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Y tế sao cho sát với tình hình thực tiễn hiện nay.

PGS.TS Trần Đáng phân tích thêm, nhìn vào Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ta thấy rằng hiện nay việc quản lý vẫn chủ yếu dựa vào hậu kiểm. Trong khi đó, toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm – từ tiền kiểm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất trong nhà máy, cho đến hậu kiểm – đều cần được quy định bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng. Vấn đề là, khi cơ sở sản xuất đã khánh thành, sản phẩm đã lưu hành mới tiến hành kiểm tra thì vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Một ví dụ điển hình là những sản phẩm sữa bột giả đã tồn tại trên thị trường suốt 4 năm. Việc thu hồi sản phẩm từ các điểm bán hàng là vô cùng phức tạp, tốn kém cả về nhân lực lẫn vật lực.

Nếu có một ví dụ điển hình cho việc luật pháp bị lợi dụng để tiếp tay cho gian thương chính là cơ chế “tự công bố sản phẩm” theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Ra đời với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, Nghị định 15 cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng với nhóm thực phẩm không thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, Điều 5 và 6 của Nghị định quy định với các thực phẩm không thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành (gồm thực phẩm chế biến thông thường, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bao gói sẵn…), doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ lên Cổng thông tin điện tử là có thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Sự dễ dãi trong cơ chế quản lý đã biến “tự công bố sản phẩm” thành tấm vé thông hành có kẽ hở, mở đường cho sản phẩm giả ra thị trường dưới vỏ bọc hợp pháp.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phạm Ba Đô, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn SJKLaw (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng: Một trong những thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả vừa bị triệt phá là tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để “thổi phồng,” quảng bá sai lệch về công dụng sản phẩm.

Vụ việc này phơi bày lỗ hổng lớn trong quản lý hoạt động tiếp thị sản phẩm y tế và dinh dưỡng. Đã đến lúc cần siết chặt quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như sữa, thực phẩm chức năng và thuốc để bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), vừa qua, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã phát đi cảnh báo đặc biệt về hành vi quảng bá không trung thực, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và dược liệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và làm méo mó môi trường cạnh tranh.

Tới đây, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi cung cấp thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn từ phía “người có ảnh hưởng.” Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, nhấn mạnh cùng với việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong phòng chống hàng giả, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối sản phẩm, đặc biệt tại kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp liên ngành thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường; phát huy vai trò của Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

Để cơ quan chức năng không phải “chạy theo” xử lý hậu quả của những vụ thực phẩm giả, quảng cáo “láo”, đề xuất của các chuyên gia là cần thiết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các bên liên quan, từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm vấn nạn thuốc, thực phẩm giả

Trong báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều vấn đề trong lĩnh vực y tế được quan tâm, đặc biệt là vấn nạn thuốc, thực phẩm giả. Cử tri và nhân dân lo lắng, bức xúc về tình trạng sản xuất, mua bán, quảng cáo các sản phẩm giả gây hại sức khỏe đã kéo dài nhiều năm và mang lại lợi nhuận bất chính rất lớn như: sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc Đông y giả…, hàng hóa kém chất lượng, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các sản phẩm có hàm lượng chất cấm (cadmium, chất vàng O) vượt quá quy định khiến không thể xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín và xuất khẩu chung của cả nước.

Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường siết chặt quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm từ sản xuất, chế biến đến phân phối, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối và thức ăn đường phố. Kiến nghị tăng mức phạt tiền và bổ sung hình thức xử phạt đóng cửa vĩnh viễn cơ sở vi phạm; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên tại các bếp ăn tập thể, hàng quán ven đường, khu công nghiệp, cổng trường học - những nơi có nguy cơ thực phẩm bẩn cao.

Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ có biện pháp chế tài thật nghiêm khắc, xử một vụ để không chỉ cảnh tỉnh một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực khác, trên phạm vi cả nước. Mong rằng người dân không còn phải sống trong nỗi lo về đủ thứ “bẩn”: ăn thực phẩm bẩn, uống nước bẩn, thở không khí bẩn, dùng thuốc giả, học bằng sách giáo khoa giả, gặp công an giả, thuế vụ giả, thanh tra giả..

Khánh An