Chính quyền Tổng thống Trump và 'tuần trăng mật' không như kỳ vọng
(CLO) Cuối tháng 4 thường đánh dấu mốc 100 ngày đầu tiên tại vị của một tổng thống Mỹ - giai đoạn được xem như “tuần trăng mật” chính trị.
Bắt đầu từ thời Franklin D. Roosevelt gần một thế kỷ trước, mốc thời gian này trở thành thước đo biểu tượng cho năng lực khởi đầu, mức độ giữ lời hứa và khả năng tạo dựng niềm tin của một nhà lãnh đạo mới tại Nhà Trắng.

Theo một truyền thống bất thành văn trong chính trị Mỹ, 100 ngày đầu tiên của tổng thống mới thường là giai đoạn “tạm yên gió bão”, khi cử tri và phe đối lập hạn chế gây sức ép, tạo điều kiện để chính quyền mới ổn định và định hình lộ trình. Khi mốc 30 tháng 4 trôi qua, “tuần trăng mật” kết thúc - nhường chỗ cho những đánh giá, hoài nghi và sức ép thực sự đối với nhà lãnh đạo và nội các của ông.
Tuy nhiên, thật khó để gọi Tổng thống Donald Trump là một “người mới”. Ông đã từng trải qua 4 năm trong Nhà Trắng, và lần trở lại này, ông không hành xử như một người vừa được nước Mỹ chọn mặt gửi vàng, mà giống một "người cũ" - từng bị từ chối và nay quay trở lại.
Chính vì thế, cùng với bầu không khí lo lắng và chia rẽ vốn bao trùm nền chính trị Mỹ những năm gần đây, 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump không mang dáng dấp của một tuần trăng mật chính trị.
Ngay từ ngày đầu tiên, nhiệm kỳ đã bị phủ bóng bởi các cuộc khủng hoảng, những xung đột nội bộ, và làn sóng tranh cãi gay gắt - nhiều trong số đó là hậu quả trực tiếp từ hành động và quyết sách của chính ông.
Nhiều ý kiến cho rằng, 100 ngày đầu của chính quyền Trump gần như không có thành tựu nào. Mặc dù Tổng thống Donald Trump và các cộng sự liên tục công bố loạt cải cách lớn - từ chính sách nhập cư, cắt giảm chi tiêu công, cải cách hành chính, giáo dục đến thương mại - phần lớn vẫn chỉ dừng ở tuyên bố.
Trên hầu hết mặt trận, chính quyền Mỹ vấp phải phản kháng mạnh mẽ hoặc bị chính sự phức tạp của hệ thống hiện hành làm chậm bước. Những gì được kỳ vọng sẽ thay đổi “trong một nốt nhạc”, hay qua một dòng tweet, lại nhanh chóng bị thực tế kìm hãm.
Chính sách siết nhập cư vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ
Chính sách nhập cư là một trong những trụ cột nổi bật nhất trong chương trình hành động của chính quyền ông Trump ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ. Cuộc cải cách mở màn bằng những hình ảnh hào nhoáng, như việc sử dụng máy bay vận tải quân sự để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp - một thông điệp mang tính biểu tượng cao, thể hiện lập trường cứng rắn gần như mang màu sắc quân sự trong vấn đề nội trị.
Chính quyền Mỹ nhanh chóng biến cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp thành một phần trọng yếu trong chiến lược tranh cử và duy trì quyền lực. Sự gia tăng của làn sóng bài nhập cư trong dư luận đã giúp ông cùng Đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào mùa thu năm ngoái.
.jpg)
Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này sớm đối mặt với làn sóng phản kháng sâu rộng - không chỉ từ các đối thủ chính trị truyền thống như Đảng Dân chủ, giới truyền thông hay các tổ chức phi chính phủ, mà đặc biệt là từ chính những cộng đồng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Hàng triệu người - từ người có nguy cơ bị trục xuất, gia đình, bạn bè đến giới chủ sử dụng lao động - đã huy động mạng lưới luật sư, biến cuộc chiến nhập cư từ một chiến dịch hành pháp thành trận địa pháp lý. Các vụ kiện dồn dập khiến hệ thống pháp lý liên bang quá tải, làm trì hoãn nghiêm trọng tiến trình thực thi.
Điều này khiến mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Trump - trục xuất 1 triệu người mỗi năm - ngày càng trở nên xa vời.
Kết quả cắt giảm hành chính công không như kỳ vọng
Bên cạnh nhập cư, một trọng tâm cải cách khác của chính quyền Trump trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ là cắt giảm chi tiêu ngân sách liên bang, gắn liền với cải cách hành chính công. Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) được thành lập để rà soát và loại bỏ các khoản chi không hiệu quả. Theo báo cáo của DOGE, cơ quan này đã giúp tiết kiệm khoảng 160 tỷ USD cho ngân sách liên bang.
Tuy nhiên, con số này trở nên mờ nhạt khi đặt cạnh quy mô chi tiêu liên bang gần 7.200 tỷ USD cho năm tài chính 2025. Dù vậy, chính quyền Trump vẫn coi đây là bằng chứng rõ ràng cho hiệu quả điều hành.
Vấn đề nằm ở chỗ, chiến dịch cải cách thiếu tính hệ thống và tập trung vào các chương trình nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và viện trợ - những mảng chiếm tỷ trọng thấp trong ngân sách. Trong khi đó, các lĩnh vực chi tiêu lớn như y tế, an sinh xã hội, lương hưu và quốc phòng - chiếm gần 30% GDP - hầu như không bị đụng đến.
Một phần vì các chương trình lớn, như Medicare, Medicaid hay lương hưu được luật pháp bảo vệ, phần khác là do tính toán chính trị. Dù muốn cắt giảm ngân sách, Tổng thống Trump không sẵn sàng đối đầu với hàng triệu người hưởng lợi từ các chương trình này. Thậm chí, ngân sách quốc phòng năm tới còn được đề xuất tăng lên 1.000 tỷ USD, cao hơn 15% - 20% so với hiện tại.
Từ đó cho thấy, dù mang danh “cải cách mạnh tay”, chiến dịch cắt giảm chi tiêu của chính quyền ông Trump mới chỉ tác động ở bề mặt - nhiều tuyên bố nhưng ít thay đổi thực chất.
Giáo dục: Cuộc cải cách gây tranh cãi
Trong số các cải cách được đẩy mạnh trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, thay đổi trong hệ thống giáo dục là một trong những nỗ lực rõ ràng và có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Dưới thời Tổng thống Trump, giáo dục bị đẩy lên thành mặt trận văn hóa và chính trị. Nhiều người ủng hộ ông coi các tổ chức giáo dục - đặc biệt là đại học - là trung tâm của hệ tư tưởng tự do, thậm chí là công cụ “tẩy não” giới trẻ.
Tháng 3, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cắt giảm mạnh chức năng và ngân sách của Bộ Giáo dục liên bang, được nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin như hành động “giải thể” bộ này. Dù Quốc hội chưa đồng ý đóng cửa hoàn toàn Bộ Giáo dục, sắc lệnh này đã làm dấy lên tranh cãi về nguy cơ sụp đổ của hệ thống giáo dục công lập, đặc biệt ở cấp trung học - nơi phụ thuộc nhiều vào tài trợ liên bang.
.jpg)
Cuộc “tấn công” tiếp theo nhắm vào các trường đại học, do DOGE dẫn dắt. Những khoản tài trợ nghiên cứu từng được xem là niềm tự hào của giới hàn lâm Mỹ nay trở thành mục tiêu cắt giảm vì bị cho là thiên tả, xa rời thực tế. Tổng thống Trump thậm chí tuyên bố, trường đại học nào muốn tiếp tục nhận ngân sách liên bang phải “xem lại quan điểm chính trị của mình”.
Thông điệp này thu hút sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri bảo thủ, vốn lâu nay nhìn giới trí thức với thái độ hoài nghi. Tuy nhiên, cắt giảm trợ cấp đại học cũng đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng tài chính cho sinh viên nghèo, vì không có hệ thống hỗ trợ học phí cấp bang thống nhất. Trong khi các trường lớn, như Harvard hay Columbia đủ tiềm lực tự chủ, nhiều cơ sở nhỏ hơn có nguy cơ bị siết nguồn lực, hạn chế tiếp cận giáo dục đại học cho nhóm yếu thế.
Truyền thông thân chính phủ vẫn quảng bá các kết quả như việc tiết kiệm ngân sách, giải thể các cơ quan gây tranh cãi như USAID, hay việc sa thải hàng loạt viên chức liên bang như bằng chứng cho cuộc chiến chống lại “Leviathan tự do”.
Tuy nhiên, sau những chiến thắng ban đầu mang tính biểu tượng, cuộc đối đầu dần chuyển thành “chiến tranh tiêu hao”. Các nhân viên bị sa thải khởi kiện, các quan chức cấp cao rò rỉ thông tin bất lợi, vạch rõ sự bất cập và nguy cơ thiệt hại trong những lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh và quản lý công.
Quan trọng hơn cả, cử tri đại chúng vẫn chưa thấy thành tựu thực chất nào từ chiến dịch cải tổ bộ máy này. Cuộc chiến chống Leviathan - biểu tượng cho bộ máy hành chính cồng kềnh - trở thành cuộc chiến chiến hào kéo dài, chưa rõ thắng bại. Và chính điều đó có lẽ là kết luận đáng chú ý nhất sau 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump.