So sánh sức mạnh quân sự Ấn Độ và Pakistan: Từ vũ khí thông thường đến hạt nhân
(CLO) Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan lại leo thang. Đáng lo ngại hơn khi cả hai quốc gia Nam Á này đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cả hai quốc gia đang sở hữu tổng cộng gần 350 đầu đạn hạt nhân và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Ấn Độ hiện có khoảng 172 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pakistan sở hữu khoảng 170 đầu đạn. Dù tương đồng về số lượng, chiến lược sử dụng lại rất khác biệt.

Ấn Độ từ lâu theo đuổi chính sách "Không sử dụng trước" (NFU), nghĩa là chỉ dùng vũ khí hạt nhân để trả đũa nếu bị tấn công. Nhưng gần đây, các lãnh đạo ở New Delhi đã để lộ khả năng xem xét lại lập trường này.
Ngược lại, Pakistan chưa bao giờ cam kết NFU, và vẫn giữ quyền sử dụng hạt nhân trước như một phần trong chiến lược phòng thủ chủ động.
Về khả năng tấn công chiến lược, Ấn Độ vượt trội rõ rệt. Tên lửa Agni-V có tầm bắn tới 8.000 km, đủ sức tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương, thậm chí vươn tới cả châu Âu hoặc Đông Á. Trong khi đó, tên lửa xa nhất của Pakistan là Shaheen III, chỉ đạt khoảng 2.750 km.
.png)
Tuy nhiên, Pakistan lại đang đầu tư mạnh vào vũ khí hạt nhân chiến thuật như tên lửa Nasr (Hatf-9), tầm bắn ngắn 70 km, dùng cho chiến trường.
So về quân lực thông thường, Ấn Độ cũng đang giữ thế thượng phong. Quân đội nước này có 1,24 triệu binh sĩ, lực lượng không quân gồm 149.000 người, và hải quân có 75.500 người.
Trong khi đó, Pakistan sở hữu 560.000 quân thường trực, 70.000 không quân, và 30.000 hải quân. Ấn Độ cũng có lực lượng bảo vệ bờ biển gần 13.350 người.
.png)
Nguy cơ xung đột tăng mạnh sau vụ tấn công ở Kashmir vào tháng trước, khi 26 người, phần lớn là du khách Ấn Độ, bị sát hại. Đáp trả, Ấn Độ không kích 9 vị trí bên phía Pakistan và vùng Jammu & Kashmir do Pakistan kiểm soát, cáo buộc đây là nơi trú ẩn của phiến quân. Pakistan thì tố cáo Ấn Độ ném bom vào khu vực dân sự và cảnh báo sẽ đáp trả nếu New Delhi không chấm dứt hành động quân sự.
Phản ứng từ hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif tuyên bố: “Nếu Ấn Độ lùi bước, chúng tôi cũng sẽ chấm dứt. Đây không phải là hành động thù địch – chúng tôi đang bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định các đợt không kích “tập trung, có chừng mực và không nhắm vào căn cứ quân sự”, cho thấy nỗ lực kiểm soát leo thang.
Thế giới đang theo dõi sát sao. Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục: “Họ đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ nếu nghĩ kỹ. Tôi chỉ hy vọng nó sẽ kết thúc thật nhanh chóng”.
Với việc cả hai bên đều chưa sẵn sàng rút lui, và những động thái quân sự liên tục xảy ra, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột, dù nhỏ, cũng có thể vượt tầm kiểm soát.