Nga và Trung Quốc đàm phán xây dựng đường ống dẫn khí mới
(CLO) Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga, Moscow ráo riết thúc đẩy đàm phán đường ống khí 2.600 km sang Trung Quốc.
Nga đang tích cực thương thảo với Trung Quốc về dự án đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 nhằm tăng cường cung cấp khí đốt từ Nga sang thị trường Trung Quốc. Thông tin này được Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Tsivilev tiết lộ trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Moscow.

Dù các cuộc đàm phán được đánh giá là sôi nổi, khả năng hai bên đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn khí này trước ngày 9 tháng 5 vẫn còn bỏ ngỏ. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Tsivilev cho biết quá trình ký kết hợp đồng khó có thể hoàn tất trong thời gian ngắn sắp tới.
Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow diễn ra với lịch trình dày đặc. Ông đến thủ đô Nga vào thứ Tư, dự kiến hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào thứ Năm, và tham dự lễ diễu hành hoành tráng vào thứ Sáu.
Sự kiện này nhằm kỷ niệm 80 năm ngày Nga chiến thắng Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tháp tùng ông Tập còn có các nhà lãnh đạo từ những quốc gia vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Nga sau khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Dự án Power of Siberia 2 từ lâu đã là mục tiêu Nga theo đuổi. Moscow kỳ vọng thuyết phục Trung Quốc cam kết xây dựng một đường ống dẫn khí tự nhiên mới, khai thác từ các mỏ khí đốt khổng lồ ở miền Tây nước này, qua Mông Cổ để đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những lời trấn an từ phía Nga, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra cam kết rõ ràng về giá cả cũng như khối lượng khí đốt nhập khẩu.
Trung Quốc hiện nắm lợi thế trong các cuộc đàm phán khi trở thành khách hàng khí đốt lớn nhất và đối tác thương mại quan trọng của Nga trên nhiều lĩnh vực.
Vị thế này được củng cố sau khi quan hệ cung cấp khí đốt kéo dài hàng thập kỷ giữa Nga và châu Âu đứt gãy do chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Dẫu vậy, Nga đang đối mặt với không ít thách thức trong việc thuyết phục Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khí đốt qua đường ống, chủ yếu do bất đồng về mức giá mà Bắc Kinh phải chi trả.
Bộ trưởng Tsivilev cho biết thêm, hai bên hiện tập trung thảo luận về phương án tuyến đường qua Mông Cổ. Các công ty liên quan cũng đang gấp rút soạn thảo hợp đồng.
Ông Tsivilev nhận định: "Quá trình thương thảo đang diễn ra rất sôi nổi, nhưng tôi cho rằng khó có thể hoàn tất mọi việc trước ngày 9 tháng 5".