Canada lưỡng lự mua F-35 khi quan hệ với Mỹ xấu đi
(CLO) Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Canada xấu đi nhanh chóng, Thủ tướng Canada Mark Carney đã úp mở về khả năng tìm kiếm phương án thay thế cho hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất.
Phát biểu trước báo giới ngay trước thời điểm tranh cử, ông Carney tuyên bố Canada có "những lựa chọn thay thế", ngầm chỉ rằng hợp đồng trị giá 19 tỷ CAD (tương đương 13,7 tỷ USD) có thể không còn là “chân lý bất di bất dịch”.
Trong khi Bộ Quốc phòng Canada khẳng định không hủy thỏa thuận, việc rà soát lại thương vụ mua 88 chiếc F-35 từ Lockheed Martin cho thấy Canada đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan: duy trì mối quan hệ quân sự với Mỹ hay tìm hướng đi độc lập hơn trong tương lai?
.png)
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, những mối căng thẳng giữa hai quốc gia Bắc Mỹ đã gia tăng đáng kể. Cuộc gặp giữa hai ông Trump và Carney tại Phòng Bầu dục tuần này càng làm tăng thêm bất an, khi nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần gọi Canada là “tiểu bang thứ 51” và bóng gió về khả năng “sáp nhập”.
Thêm vào đó, các báo cáo về “công tắc ngắt khẩn cấp” được cài trong hệ thống điều khiển F-35 cho thấy khả năng Mỹ có thể vô hiệu hóa máy bay từ xa nếu cần. Các chuyên gia hạ thấp rủi ro này, nhưng đồng thời thừa nhận Mỹ kiểm soát sâu rộng phần mềm, dữ liệu và hệ thống tác chiến của F-35, điều có thể đặt các nước đối tác vào tình thế bị động, đặc biệt nếu quan hệ song phương trở nên bất ổn.
Dù vậy, giới chuyên gia nhấn mạnh thực tế rằng không có phương án thay thế khả thi nào cho F-35 hiện nay. Các chiến đấu cơ thế hệ 4+ như Rafale (Pháp) hay Typhoon (châu Âu) không đủ khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại. Trung tướng Yvan Blondin, cựu tư lệnh không quân Canada, khẳng định: “Không có lựa chọn quân sự nào tốt hơn”.
Canada dự kiến tiếp nhận lô F-35 đầu tiên vào năm 2026. Nhưng nếu rút lui khỏi hợp đồng, Ottawa sẽ phải tốn nhiều năm và hàng tỷ USD để xây dựng lại chiến lược phòng không, trong khi đội CF-18 hiện tại đang dần “chết lâm sàng” sau nhiều thập kỷ sử dụng.
Một số gợi ý về việc chỉ mua 16 trong số 88 chiếc để tiết kiệm ngân sách đã bị giới chuyên gia chỉ trích gay gắt. Việc duy trì nhiều dòng máy bay chiến đấu cùng lúc khiến chi phí bảo trì và đào tạo tăng không cần thiết.
Những nghi ngờ xoay quanh F-35 đang thúc đẩy Canada và nhiều đồng minh NATO nhìn sang các dự án thế hệ tiếp theo do châu Âu dẫn dắt. Hai sáng kiến lớn – chương trình GCAP của Anh - Ý - Nhật Bản và dự án FCAS của Pháp - Đức - Tây Ban Nha – đang thu hút sự quan tâm từ nhiều quốc gia, với kế hoạch triển khai vào khoảng năm 2035.
Canada chưa chính thức ngỏ lời tham gia, nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu Ottawa có nên gắn bó với F-35 của Mỹ trong hiện tại để đảm bảo phòng thủ, hay chấp nhận rủi ro chiến lược để dấn thân vào một tương lai hàng không quân sự độc lập hơn?
Như lời cảnh báo cuối cùng của tướng Blondin: “Nếu từ bỏ F-35, Canada tốt nhất nên có phương án thay thế sẵn sàng – nếu không, tháng sau chúng ta có thể không còn máy bay để bảo vệ chính mình”.