Tiêu điểm Quốc tế

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Chiến dịch Sindoor và ranh giới đỏ của Nam Á

Hùng Anh 10/05/2025 09:25

(CLO) Sự leo thang quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan đang đẩy quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân này vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua.

Ấn Độ tiến hành không kích vào nhiều mục tiêu ở Pakistan, bao gồm các cơ sở của các nhóm chiến binh như Jaish-e-Mohammed và Lashkar-e-Taiba, trong khi Pakistan đáp trả bằng pháo binh dọc theo Đường Kiểm soát (LoC), dẫn đến thương vong cho cả hai bên.

Một chiến dịch có phối hợp, mang tính biểu tượng và chính trị

Đêm 7/5, Ấn Độ đã thực hiện loạt cuộc không kích chính xác vào các mục tiêu được cho là căn cứ khủng bố trên lãnh thổ Pakistan, khơi mào nguy cơ leo thang quân sự nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ năm 2019.

quan doi an do2
Xe tăng và xe bộ binh của Quân đội Ấn Độ. Ảnh: CC/Wiki

Chiến dịch không kích - có mật danh “Sindoor” - được lực lượng vũ trang Ấn Độ tiến hành nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 tại thị trấn Pahalgam, bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Vụ việc đã khiến 26 người thiệt mạng, phần lớn là khách du lịch trong nước. Trách nhiệm về vụ tấn công được nhóm ít tên tuổi “Mặt trận Kháng chiến” (TRF) nhận, nhưng New Delhi cáo buộc đây là tổ chức bình phong của Lashkar-e-Taiba - nhóm khủng bố có trụ sở tại Pakistan và bị cấm ở nhiều nước.

Với sự tham gia của cả 3 nhánh quân đội - lục quân, hải quân và không quân - đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh năm 1971 mà Ấn Độ thực hiện một chiến dịch liên quân quy mô như vậy nhằm vào lãnh thổ Pakistan. Tên gọi “Sindoor” mang ý nghĩa biểu tượng tôn vinh những phụ nữ có chồng bị sát hại trong vụ khủng bố.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, mục tiêu của chiến dịch là 9 cơ sở huấn luyện và chỉ huy của 2 nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed nằm tại tỉnh Punjab và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Bộ này khẳng định chỉ sử dụng vũ khí chính xác cao, không nhằm vào bất kỳ cơ sở quân sự nào của Pakistan - động thái như một nỗ lực “kiềm chế có tính toán”. Tuy nhiên, hậu quả trên thực địa là không nhỏ: Phía Islamabad xác nhận ít nhất 26 người thiệt mạng, hơn 40 người bị thương.

Cảnh báo chiến tranh từ Islamabad

Islamabad lập tức lên án chiến dịch không kích của Ấn Độ là một “hành động chiến tranh”, đồng thời khai hỏa pháo vào các khu vực đông dân cư tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Dù Chính phủ Pakistan khẳng định các tòa nhà dân sự không bị nhắm mục tiêu, song giới chức Ấn Độ báo cáo ít nhất 7 thường dân thiệt mạng - trong đó có một phụ nữ và hai trẻ em - cùng 38 người khác bị thương.

Cùng thời điểm, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ khi các máy bay này “xâm nhập không phận”. Phía Ấn Độ chưa xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, hãng tin Reuters, dẫn nguồn từ giới chức địa phương ở Jammu và Kashmir, xác nhận 3 máy bay của Ấn Độ đã rơi; các phi công sống sót và đang được điều trị tại bệnh viện.

An do Pakistan
Chiến sự đang xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh chụp màn hình

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định: “Pakistan có mọi quyền đưa ra phản ứng cứng rắn đối với hành động chiến tranh do Ấn Độ áp đặt, và phản ứng đó đang được thực hiện”.

Bộ trưởng Thông tin Attaullah Tarar tuyên bố phản ứng của Islamabad là “toàn diện và phù hợp với mức độ của mối đe dọa”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif tỏ ý sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng cảnh báo: “Nếu chúng tôi bị tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả”.

Ủy ban An ninh Quốc gia Pakistan - do Thủ tướng Sharif chủ trì - đã họp khẩn và trao quyền cho quân đội tiến hành các biện pháp đáp trả. Ủy ban đồng thời cáo buộc Ấn Độ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp và buộc New Delhi phải chịu trách nhiệm về hành động quân sự “vượt quá giới hạn cho phép”.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện: Lịch sử lặp lại, nhưng giới hạn ở đâu?

Cuộc khủng hoảng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan đang diễn ra gợi nhắc mạnh mẽ đến cuộc đối đầu nguy hiểm năm 2019 - thời điểm mà hai cường quốc hạt nhân Nam Á từng tiến hành các cuộc không kích qua lại và “bên miệng hố” một cuộc chiến tranh toàn diện. Giống như hiện tại, sự kiện năm đó cũng bắt nguồn từ một vụ tấn công khủng bố nhằm vào lực lượng Ấn Độ tại Kashmir.

Ngày 14/2/2019, một kẻ đánh bom liều chết thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Jaish-e-Mohammed (trụ sở tại Pakistan) đã tấn công đoàn xe của lực lượng bán quân sự Ấn Độ, khiến hơn 40 người thiệt mạng. Chỉ 2 tuần sau, Ấn Độ trả đũa bằng cuộc không kích vào một trại huấn luyện của nhóm này nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan. Đáp lại, Pakistan tiến hành không kích vào Kashmir và bắn hạ một máy bay chiến đấu Ấn Độ. Dù căng thẳng leo thang nhanh chóng, hai bên đã kiềm chế: Pakistan trả phi công về nước, và đến tháng 3/2019, lãnh đạo hai nước đồng ý chấm dứt xung đột.

Giới phân tích cho rằng, tình hình hiện nay có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng chứa đựng nguy cơ vượt xa khủng hoảng 2019. Giáo sư Shrikant Kondapalli (Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ) nhận định: "Việc Ấn Độ nhắm vào các cơ sở khủng bố thay vì mục tiêu quân sự của Pakistan là hành động có tính toán nhằm tránh leo thang vượt kiểm soát".

Cùng quan điểm trên, Zahid Ahmed, chuyên gia tại Đại học Deakin (Úc), cho rằng phản ứng của Islamabad sẽ mang tính quyết định. Theo ông, nếu Pakistan chuyển từ đối phó khủng bố sang nhắm trực tiếp vào lãnh thổ Ấn Độ, đặc biệt là các mục tiêu dân sự, xung đột có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Cân bằng hạt nhân mong manh: Răn đe hay mồi lửa xung đột?

Điều khiến cuộc khủng hoảng hiện nay đặc biệt nguy hiểm là kho vũ khí hạt nhân mà cả hai nước đang sở hữu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), đến năm 2024, Ấn Độ có khoảng 172 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pakistan có 170 - một thế cân bằng mong manh nhưng đầy nguy hiểm.

Khác với học thuyết “không sử dụng trước” của Ấn Độ, Pakistan giữ quyền dùng vũ khí hạt nhân như một biện pháp tấn công phủ đầu nếu cảm thấy sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân vẫn thấp, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại. “Vượt ra khỏi vũ khí thông thường sẽ là hành động tự sát đối với Pakistan”, Phó Giáo sư Vinay Kaura (Đại học Sardar Patel, Ấn Độ) nhận định.

Ông cũng cho rằng chính quyền Ấn Độ đã có sự thay đổi rõ rệt về chiến lược: không còn chấp nhận các hành động khủng bố xuyên biên giới như trước. “Chiến dịch Sindoor gửi đi thông điệp rõ ràng: chủ nghĩa khủng bố sẽ bị tấn công tận gốc và sẽ không có vùng an toàn cho những kẻ chứa chấp chúng”, chuyên gia Vinay Kaura tuyên bố.

Tuy nhiên, các bên đều hiểu rõ hậu quả thảm khốc nếu đẩy tình hình đến giới hạn hạt nhân. Ahmed khẳng định rằng cả New Delhi lẫn Islamabad vẫn xem kho vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe, chứ không phải để sử dụng thực tế.

Một yếu tố then chốt khác để ngăn khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát là sức ép từ cộng đồng quốc tế. Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể buộc Islamabad phải hành động quyết đoán hơn đối với các nhóm cực đoan trong nước, yếu tố được xem là gốc rễ khiến mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan liên tục bùng phát.

Cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan một lần nữa phơi bày mức độ mong manh của hòa bình tại Nam Á, nơi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể bị cuốn vào xung đột chỉ bởi một vụ tấn công khủng bố. Dù cả New Delhi và Islamabad đều tuyên bố không tìm kiếm chiến tranh, nhưng lịch sử cho thấy chỉ cần một phản ứng sai lầm hoặc một hành động vượt giới hạn là đủ để đẩy khu vực vào vòng xoáy trả đũa không thể kiểm soát.

Hùng Anh