Kinh tế

Mong muốn Chính phủ là 'nhạc trưởng', tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp

Việt Vũ 10/05/2025 18:19

(CLO) Bên cạnh 3 mũi đột phá chiến lược, ông Mạc Quốc Anh cũng mong muốn Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam đối mặt với không ít thách thức

Trong tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” diễn ra vào chiều 10/5, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để bứt phá kinh tế.

z6587747987377_ddc94cb02745c12bcf1568510a1a3884.jpg
TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. (Ảnh: SP)

Nhìn lại chặng đường tăng trưởng, TS Mạc Quốc Anh cho biết: Năm 1975, Việt Nam bước ra từ khói lửa chiến tranh với nền kinh tế kiệt quệ, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD/năm.

Thế nhưng, kể từ khi bước vào giai đoạn Đổi mới vào năm 1986 đã tạo ra bước ngoặt khai mở thị trường, giải phóng sức sản xuất.

Đến năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN và 35 thế giới; kim ngạch xuất khẩu vượt 355 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 45 % GDP và tạo ra 65 % việc làm.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: lạm phát được kiểm soát bình quân dưới 4 %; nợ công duy trì quanh 38 % GDP, thuộc nhóm an toàn của khu vực.

Bên cạnh đó, kinh tế số ước đạt 14 % GDP năm 2024, dự kiến đạt 20 % vào 2025. Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, thông qua 17 Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới, nổi bật CPTPP, EVFTA, RCEP, mở cánh cửa cho thị trường gần 60 quốc gia, chiếm 71 % GDP toàn cầu.

“Những con số biết nói đó chính là lời khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục “bứt phá” nhờ một đường hướng phát triển nhất quán, đặt con người làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, khoa học - công nghệ làm then chốt, văn hóa - giá trị Việt làm nền tảng”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, TS Mạc Quốc Anh cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 phấn đấu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập, thế nhưng để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đối mặt với không ít thách thức.

Một trong số đó chính là “bẫy” thu nhập trung bình. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam bằng 62 % Thái Lan, 37 % Malaysia, 11 % Singapore. Nếu không bứt phá, đà tăng trưởng có nguy cơ chậm lại.

Bên cạnh đó, dân số già hóa nhanh: Tỷ lệ người trên 60 tuổi sẽ đạt 20 % vào 2038, gây sức ép hệ thống an sinh, hoặc, quá trình biến đổi khí hậu cũng tác động mạnh tới quá trình tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu, khoảng cách đô thị - nông thôn còn có chênh lệch lớn, hạ tầng số còn phân mảnh.

“Nếu không nhận diện đúng và ứng phó linh hoạt, cơ hội vàng có thể thoắt khỏi tầm tay”, TS Mạc Quốc Anh nói.

Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”

Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, TS Mạc Quốc Anh đề xuất Việt Nam xây dựng 3 đột phá chiến lược mới.

Thứ nhất, đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển. Cụ thể, Luật Đầu tư chiến lược (sắp trình Quốc hội) nên ưu tiên sản xuất xanh, bán dẫn, công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi Đề án Trung tâm tài chính quốc tế (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu.

z6587748005155_cb64167ab4e50c3e7829694d504abd62.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: SP)

Thứ hai, đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện 3.000 km cao tốc; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đối với hạ tầng số, cần 100 % phủ 5G vào 2030, trung tâm dữ liệu quốc gia chuẩn Tier IV, mạng lưới cáp quang biển mới.

Thứ ba, đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình 100.000 kỹ sư bán dẫn, 1 triệu chuyên gia kinh tế số cũng cần được thực thi mạnh mẽ.

“Song song với 3 mũi đột phá chiến lược đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021 - 2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp) - tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bứt tốc”, ông Quốc Anh nêu.

Bên cạnh 3 mũi đột phá chiến lược, ông Mạc Quốc Anh cũng đề nghị Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”, cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng.

“Doanh nghiệp là người chơi chính, dám nghĩ lớn, làm thật, bền bỉ đổi mới. Hệ thống tài chính - ngân hàng cung cấp “nhiên liệu” dài hạn, chi phí hợp lý. Viện, trường, chuyên gia là trí tuệ tư vấn, cung cấp giải pháp dựa trên bằng chứng. Người dân, cộng đồng là “khách hàng - giám sát”, nuôi dưỡng hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm”, ông Mạc Quốc Anh đưa quan điểm.

Việt Vũ