Tin tức

Đề nghị phân cấp triệt để trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh

Duy Khánh 11/05/2025 07:02

(CLO) Tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đặc biệt là các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

202505101644092312_dsc_1053.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi dự Phiên họp Tổ 17

Chiều ngày 10/5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, đã dự và phát biểu tại phiên họp của Tổ 17. Cuộc thảo luận tập trung vào 3 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) bày tỏ đồng tình với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được nêu trong Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đại biểu Mai cho rằng, nếu phân cấp cho UBND tỉnh được quyền điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch tỉnh sẽ giúp tinh giản thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian thực hiện. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật hiện hành chưa phản ánh đầy đủ tinh thần này.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu
Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Từ thực tiễn, đại biểu Khương Thị Mai kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 15 theo hướng phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương và địa phương: Thủ tướng Chính phủ thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng; Bộ Tài chính thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia; UBND tỉnh tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh là người phê duyệt. Đồng thời, bà cũng đề xuất sửa Điều 29 để UBND tỉnh được thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, thay vì Bộ Tài chính. Theo đại biểu, nếu đã phân cấp thì phải phân cấp triệt để, đồng bộ trong tất cả điều khoản có liên quan.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, khi đã phân cấp, cần giao toàn diện cho địa phương. Ông dẫn chứng thực tế quy hoạch hạ tầng giao thông địa phương vẫn đang bị vướng bởi yêu cầu phải xin ý kiến các bộ, ngành trung ương. “Làm xong thiết kế lại phải gửi tới Cục Đường bộ. Phân cấp kiểu đó là chưa thực chất”, ông nói.

202505101644092625_dsc_1338.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng “quy hoạch chồng quy hoạch”. Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) chỉ rõ, hiện có quá nhiều loại quy hoạch như: quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành... khiến khi thể hiện trên bản đồ thì dày đặc, thiếu tính khả thi. Đại biểu cho rằng chỉ nên duy trì một số loại quy hoạch thật sự quan trọng như quốc gia, tỉnh, quy hoạch ngành liên quan tới quốc phòng, an ninh, đất lúa, rừng đặc dụng, cảng biển, sân bay... Các lĩnh vực khác nên được quy định dưới dạng chiến lược thay vì quy hoạch.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) phân tích, việc cho phép lập đồng thời nhiều loại quy hoạch như dự thảo khoản 3 Điều 5 quy định có thể dẫn đến lúng túng trong thực tiễn do thiếu căn cứ để đối chiếu giữa các cấp độ quy hoạch. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn và xác định rõ cấp độ quy hoạch nào cần lập trước để tránh chồng lấn, mâu thuẫn.

202505101551198301_dsc_1226.jpg
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Các ý kiến tại tổ đều cho thấy yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, phù hợp thực tiễn và thúc đẩy hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch trên toàn quốc.

Duy Khánh