Thế giới 24h

Lời kể của 'cậu bé Do Thái' về người hàng xóm đáng sợ Hitler

Hoài Phương (theo Guardian, Times of Israel) 11/05/2025 07:10

(CLO) Edgar Feuchtwanger từng sống đối diện nhà Adolf Hitler khi còn là một cậu bé Do Thái, chứng kiến những ký ức không thể phai mờ kéo dài suốt một thế kỷ.

Edgar Feuchtwanger sinh ngày 28/9/1924, giữa lúc nước Đức chìm trong nghèo đói và rối ren chính trị sau Thế chiến I. Cuốn sách Hitler, My Neighbour mà Edgar viết năm 2013 cùng nhà báo Pháp Bertil Scali là một lát cắt kỳ lạ: lời kể từ một đứa trẻ Do Thái sống đối diện kẻ lãnh đạo Đức Quốc xã.

Ông là người Do Thái sinh ra ở Munich trong một xã hội đang trượt dần về phía chủ nghĩa phát xít – thứ sau này gây ra cái chết cho 6 triệu người Do Thái. Và rồi, một điều đáng sợ đã xảy ra: khi lên 5 tuổi, Edgar có một hàng xóm mới – Adolf Hitler.

Vào tháng 10/1929, Hitler dọn vào căn hộ sang trọng tầng hai ở số 16 Prinzregentenplatz, Munich – chỉ cách căn hộ của gia đình Edgar một con phố. Đối diện chéo, từ số 38 đường Grillparzerstrasse, Edgar có thể nhìn thẳng sang cửa sổ căn hộ nơi Hitler sống.

“Chúng tôi phát hiện ra mình có hàng xóm mới khi sữa giao sáng đột nhiên biến mất”, Edgar kể. “Người đưa sữa nói Hitler đã lấy phần đó, chắc là cho đám vệ sĩ SS của ông ta”. Đối với đứa trẻ Edgar, Hitler lúc ấy chỉ là “một người không thích người Do Thái cho lắm”.

untitled-3-.png
Số 16 Prinzregentenplatz, Munich, nơi Hitler từng sống. Ảnh: TL

Gia đình Edgar có xuất thân đáng nể: cha ông, Ludwig, là luật sư và nhà xuất bản; mẹ ông, Erna, là nghệ sĩ piano; chú ông là Lion Feuchtwanger – tác giả nổi tiếng của Jew SüssSuccess. Tầng lớp tinh hoa Đức, từ nhà văn Thomas Mann đến nhà lý luận Carl Schmitt, từng lui tới căn hộ họ.

Trong khi nhà Feuchtwanger là một gia đình trí thức giàu có, với đầu bếp và bảo mẫu, thì nhà đối diện bắt đầu đón dòng người cuồng tín, sĩ quan SS và các tay chân của trùm phát xít.

“Có lẽ tôi là nhân chứng sống cuối cùng từng đối mặt với Hitler, từng thấy ông ta từ cửa sổ nhà mình”, Edgar chia sẻ tại căn nhà ở Hampshire, miền nam nước Anh, nơi ông đã định cư sau khi gia đình trốn chạy sang Anh năm 1939, ngay trước khi chiến tranh nổ ra.

Hitler ngày càng có ảnh hưởng, và rồi trở thành thủ tướng vào năm 1933. Khi đó, Edgar mới lần đầu chạm mặt ông ta ở khoảng cách gần. “Tôi và bảo mẫu đang đi dạo thì ông ta bước ra khỏi nhà, thấy chúng tôi dừng lại nhường đường, liền gật đầu cảm ơn”, ông kể.

Khi ấy, Hitler không biết rằng cậu bé mình vừa mỉm cười chính là một người Do Thái, và còn mang họ Feuchtwanger, họ của một trong những người phê phán ông ta mạnh nhất. “Nếu ông ta biết, tôi chắc chắn chúng tôi đã bị gửi thẳng đến trại tập trung Dachau rồi”.

Từ năm 1933, không khí trong nhà Feuchtwanger thay đổi. Chính trị và nỗi lo về Hitler chiếm hết các cuộc trò chuyện. Edgar không cảm thấy quá sợ hãi vì khi đó ông vẫn còn nhỏ. Nhưng sự lo lắng ngấm dần vào cuộc sống. Những chuyến xe đưa Hitler đi Berghof, các sĩ quan SS túc trực quanh nhà, những cái bóng đen phủ xuống tuổi thơ.

untitled(2).png
Edgar Feuchtwanger ở dãy núi Alps ở Bavaria, 1936. Ảnh: Edgar Feuchtwanger

Edgar kể rằng trong gia đình, Hitler từng bị coi là “nhân vật lố bịch” vì vụ đảo chính Nhà hàng bia (Beer Hall Putsch) thất bại năm 1923, khi ông ta bị bắt và ngồi tù. “Mọi người tin rằng ông ta chỉ là hiện tượng tạm thời”.

Nhưng khi Hitler viết Mein Kampf và lên nắm quyền, mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Chú Lion từng công khai chế nhạo Mein Kampf, và bị Đức Quốc xã tước quốc tịch, sách bị đốt, tên bị liệt vào danh sách đen. May mắn thay, ông đã kịp ở lại Mỹ và tránh được cái chết.

Trong căn nhà ở Hampshire ngày nay, Edgar sống giữa những tài liệu, ảnh cũ và hồi ức. Cuốn sách mới nhất của ông, Letters from a Child Exile, viết cùng con gái Antonia Cox, tập hợp những bức thư ông viết năm 1939 khi còn là cậu bé tị nạn ở Anh, gửi về cho cha mẹ còn kẹt lại ở Đức. Dự kiến, sách sẽ phát hành tại Anh vào mùa xuân 2026.

“Khi còn nhỏ, tôi thấy Hitler không có gì đặc biệt. Ông ta chỉ là một người đàn ông trầm lặng, lạ lùng và có vẻ chẳng quan tâm đến ai ngoài chính mình”, Edgar nói. “Và chính vì thế, chúng tôi sống an toàn ngay trước mắt ông ta. Bởi vì ông ta không bao giờ nhìn ra cửa sổ”.

Hoài Phương (theo Guardian, Times of Israel)