Đời sống văn hóa

Cuốn sách 'Con đường tương lai' – Khát vọng lớn của người trí thức Việt

Trung Nguyễn 12/05/2025 09:52

(CLO) Cuốn sách “Con đường tương lai” của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ là một công trình đồ sộ về mặt nội dung mà còn là minh chứng cho tinh thần mạnh mẽ và khát vọng bền bỉ của một trí thức Việt trong thời đại mới.

Ngay từ khi hình thành ý tưởng, tác phẩm đã khiến không ít người – trong đó có cả đội ngũ cố vấn – phải choáng ngợp bởi độ mở rộng của đề tài. Cuốn sách bao trùm nhiều lĩnh vực từ lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa đến tâm linh, với tầm nhìn trải dài từ quá khứ đến tương lai. Đó không chỉ là một công trình nghiên cứu mà còn là một hệ tư tưởng, một bản thiết kế khát vọng cho tương lai dân tộc.

Trong vai trò cố vấn cho tác phẩm, nhà văn, nhà thơ, Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội cho biết: "Nguyễn Xuân Tuấn không viết “Con đường tương lai” bằng những tri thức rời rạc, mà bằng toàn bộ trí lực, thời gian, tài chính và đặc biệt là sự cộng sinh tri thức từ nhiều cộng sự. Tác phẩm là thành quả của hàng chục năm chưng cất kiến thức, suy ngẫm, trải nghiệm. Đó là hành trình không hề dễ dàng".

z6592320572427_952d6e00d3458b5e6fc3521deeb8b7a3.jpeg
Nhà văn, nhà thơ, Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội đánh giá cao tác phẩm "Con đường tương lai" của Nguyễn Xuân Tuấn.

"Chúng tôi, những người đồng hành trong vai trò cố vấn, từng không ít lần lo ngại trước tham vọng đồ sộ mà tác phẩm đặt ra. Có lúc tôi đã đùa: “Cứ đem bản thảo đặt lên đầu các Thạc sĩ, ai chịu được ba tiếng không toát mồ hôi tất thành Tiến sĩ”. Đó không chỉ là câu nói vui mà là sự thật về công phu trí tuệ mà Nguyễn Xuân Tuấn đã dồn vào từng trang sách".

"Một điều đặc biệt ở Nguyễn Xuân Tuấn là ông không chỉ làm việc với tư duy khoa học mà còn mang trong mình năng lực cảm nhận tâm linh sâu sắc. Nhiều lần cùng ông đến các đền, chùa, đình miếu, tôi cảm nhận rõ sự am tường, thành kính và liên kết kỳ lạ giữa ông và các không gian linh thiêng. Điều này cũng phản ánh rõ trong các chương viết về luật nhân quả, mẹ thiên nhiên và thế giới tâm linh trong “Con đường tương lai”. Những luận giải về nhân quả theo tinh thần Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đến sinh thái học Thiên Chúa giáo… cho thấy tầm hiểu biết sâu rộng cùng cái tâm hướng thiện của tác giả", nhà văn Phùng Văn Khai nói thêm.

Tác giả sách, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ tại sự kiện.
Tác giả sách, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ tại sự kiện.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn đã dũng cảm đặt ra những câu hỏi mang tầm nhân loại như: Trái đất sẽ bị diệt vong theo cách nào? Tương lai của con người vào năm 5000 sẽ ra sao? Công nghệ sẽ đưa nhân loại đi đến đâu?… Đây không chỉ là những câu hỏi học thuật mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân của một trí thức trước vận mệnh chung.

Với “Con đường tương lai”, Nguyễn Xuân Tuấn đã thể hiện một tư duy độc lập, tinh thần phản biện sâu sắc, và đặc biệt là sự điềm tĩnh cần thiết để kiến tạo hệ tư tưởng mới. Ông không chỉ viết với tâm thế một người ghi chép lịch sử mà là người kiến tạo tương lai.

Lâu nay, dư luận vẫn thường than phiền rằng Việt Nam thiếu những tác phẩm nghiên cứu có tầm vóc, thiếu những công trình khoa học xã hội nhân văn đỉnh cao. Nhưng điều đó liệu có đúng? Và nếu đúng, thì tiêu chí nào để đánh giá một tác phẩm đỉnh cao?

z6592280772010_4f6c81ff9661ee25764722897bdf2ffc.jpeg
Cuốn sách "Con đường tương lai" của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Với tư cách người trong giới, nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng “Con đường tương lai” của Nguyễn Xuân Tuấn chính là một trong những câu trả lời cho câu hỏi ấy. Tác phẩm không chỉ hàm chứa chiều sâu tri thức mà còn thể hiện khát vọng thực hành lớn lao – điều rất hiếm trong các công trình nghiên cứu hiện nay.

Và nhà văn Phùng Văn Khai luôn tin rằng, thành công của “Con đường tương lai” của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ nằm ở độ dày trang sách, mà nằm ở chiều sâu tư duy và tinh thần kiên cường của người viết – một trí thức Việt Nam mạnh mẽ trên hành trình kiến tạo tương lai.

Trung Nguyễn