Quyền hạn của chức danh cấp huyện được đề xuất chuyển giao cho chức danh cấp tỉnh và cấp xã
(CLO) Bộ Nội vụ đề xuất khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ở cấp huyện được chuyển giao cho cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh và cấp xã.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền lĩnh vực nội vụ khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý, Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phân công Bộ Nội vụ "xây dựng Nghị định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tổ chức hành chính, sự nghiệp, chính quyền địa phương, công chức, viên chức, lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội… khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp" (trong đó có lưu ý: số lượng Nghị định có thể nhiều hơn số lượng nêu trong Phụ lục, do bộ quyết định dựa trên kết quả rà soát và phạm vi điều chỉnh).
Trên cơ sở kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng 2 Nghị định, bao gồm 1 Nghị định về phân cấp và 1 Nghị định về phân định thẩm quyền.
Dự thảo Nghị định gồm 5 điều và 1 phụ lục:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh;
Điều 2. Nguyên tắc;
Điều 3. Phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nội vụ;
Điều 4. Trách nhiệm của Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;
Điều 5. Hiệu lực thi hành;
Phụ lục sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với 31 văn bản, trong đó:
Nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp huyện chuyển xuống cấp xã: 120 nội dung thuộc 08 lĩnh vực (lĩnh vực văn thư và lưu trữ nhà nước, lĩnh vực thi đua khen thưởng, lĩnh vực tiền lương – bảo hiểm xã hội, lĩnh vực việc làm, an toàn lao động, lĩnh vực tổ chức cán bộ, lĩnh vực thanh niên và bình đẳng giới, lĩnh vực tổ chức phi chính phủ, lĩnh vực người có công).
Nhiệm vụ quản lý nhà nước từ cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh: 21 nội dung thuộc 04 lĩnh vực (lĩnh vực văn thư và lưu trữ nhà nước, lĩnh vực thi đua khen thưởng, lĩnh vực tiền lương – bảo hiểm xã hội, lĩnh vực việc làm, an toàn lao động).
Nguyên tắc, nội dung phân định thẩm quyền
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, Bộ Nội vụ cho biết, quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, dự thảo đề xuất phân định thẩm quyền theo hướng: Cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Chính quyền cấp xã mới đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã.
Về nội dung phân cấp, phân quyền, dự thảo Nghị định đề xuất quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực nội vụ được chuyển giao cho chính quyền cấp xã, cấp tỉnh khi thực hiện mô hình không tổ chức chính quyền cấp huyện. Nội dung phân cấp thẩm quyền lĩnh vực nội vụ sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định về phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.
Cụ thể, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ở cấp huyện được chuyển giao cho cơ quan, chức danh có thẩm quyền ở cấp tỉnh và cấp xã. Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nội dung quy định về đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã hoặc được bãi bỏ. Nội dung phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nội vụ được quy định cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo.