Nghề báo

Hiệu quả từ ứng dụng loại hình podcast ở các cơ quan báo chí địa phương

Lê Tâm 13/05/2025 09:46

(CLO) Nhờ việc tận dụng thế mạnh của loại hình podcast, nhiều cơ quan báo chí ở địa phương đã mở rộng thêm đối tượng tiếp cận, thu hút thính giả yêu thích nội dung số. Với nội dung đa dạng, phân phối trên nhiều nền tảng số, podcast được xem là “mảnh đất” đầy tiềm năng cho sự phát triển của báo chí địa phương.

Trong số nhiều thể loại báo chí, podcast đang dần trở thành một thể loại được nhiều cơ quan báo chí quan tâm đầu tư phát triển. Ở một số cơ quan báo chí địa phương, việc phát triển các tác phẩm báo chí trên nền tảng podcast đã mang lại sự tiện lợi, thú vị cho cả người làm báo và cả người nghe. Podcast giờ đây không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí mà còn là một kênh truyền thông hiệu quả, cho phép người làm báo truyền đạt ý tưởng và thông điệp một cách tự nhiên và chân thật nhất.

Theo thống kê đến nay có hơn 540 triệu người nghe podcast trên toàn thế giới, 47% dân số Hoa Kỳ từ 12 tuổi trở lên nghe podcast ít nhất một lần mỗi tháng. Indonesia là một trong những quốc gia nghe podcast phổ biến nhất trên thế giới. Hết năm 2024, chi tiêu cho quảng cáo podcast trên toàn thế giới đạt 4 tỷ đô la...

66666.jpg
Báo Quảng Ngãi thu hút sự quan tâm của bạn đọc qua mục “Điểm tin hàng ngày”; “Tạp bút - truyện ngắn” hay lĩnh vực rất đời thường như “Tư vấn sức khỏe”; “Đối thoại chuyên đề”…

Podcast mang đến lợi thế cho người sản xuất và cả người dùng, khi sáng tạo một sản phẩm podcast người làm không nhất thiết phải có hình ảnh động. Việc xây dựng tác phẩm dựa các tệp tin âm thanh kỹ thuật số, được lồng nhạc nền, lời bình một cách tự nhiên và gần gũi. Đối với người dùng họ có thể tải xuống và dùng ở mọi lúc, mọi nơi và trang thiết bị không cần cầu kỳ.

Tại Báo Quảng Ngãi, với những nỗ lực trong việc chuyển đổi số, hiện báo đã bước đầu thực hiện thành công là cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng. Trong số nhiều loại hình báo chí hiện đại được thực hiện thì Podcast là một trong những thể loại hình báo chí thu hút sự quan tâm của công chúng ở mọi lứa tuổi, tiếp cận podcast ở nhiều nền tảng khác nhau.

Nhà báo Nguyễn Phú Đức, Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, loại hình podcast được Báo Quảng Ngãi thực hiện trong rất nhiều mục, thu hút sự quan tâm của bạn đọc, như mục “Điểm tin hàng ngày”; “Tạp bút - truyện ngắn” hay lĩnh vực rất đời thường như “Tư vấn sức khỏe”; “Đối thoại chuyên đề”…

“Chúng tôi xác định, khi phát triển các thể loại báo chí mới, không chỉ dừng lại ở việc mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại mà phải đi đôi với đổi mới mạnh mẽ từ nhận thức của cán bộ, phóng viên để sản xuất nội dung trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ số. Trên cơ sở đó, cơ quan báo chí sẽ cho ra đời những “sản phẩm báo chí đặc biệt”, không chỉ hàm chứa giá trị về mặt thông tin, mà còn là một sản phẩm của trí tuệ, dữ liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác thông tin, tuyên truyền của công chúng” nhà báo Nguyễn Phú Đức chia sẻ.

Thực tế cho thấy, các tác phẩm báo chí dạng podcast của Báo Quảng Ngãi không chỉ “phủ sóng” trên nền tảng website mà còn được chia sẻ trên các nền tảng số, giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube, nơi mà bạn đọc có thể nghe trên các thiết bị di động, các thiết bị thông minh khác.

Nhờ phát trên các nền tảng mạng xã hội này, thính giả còn có thể tương tác hai chiều, hành vi người dùng có thể được ghi nhận để người dùng có thể nghe lại các chương trình yêu thích. Bên cạnh đó, việc duy trì các tác phẩm podcast trên Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube còn giúp các biên tập viên thăm dò ý kiến thính giả, biết được họ muốn nghe thông tin gì, nắm được thị hiếu của thính giả từng lứa tuổi, từ đó nắm bắt cơ hội để tiếp cận với khán thính giả nhiều hơn.

7.jpg
Báo Phú Thọ sản xuất nhiều tác phẩm trên nền tảng podcast.

Tương tự tại Báo Phú Thọ, là người thường xuyên sản xuất các tác phẩm đăng tải trên nền tảng podcast của đơn vị, nhà báo Đinh Đăng Tú – Phó trưởng Phòng Điện tử, Báo Phú Thọ cho biết: Với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới đông đảo thính giả, bổ sung thêm một kênh để tiếp cận với tờ báo Đảng tỉnh. Chỉ sau thời gian ngắn, đã có hàng trăm tác phẩm podcast được cập nhật trên kênh và các nền tảng số, thu hút lượng lớn thính giả trong và ngoài tỉnh.

“Tôi nghĩ rằng trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí thì podcast vẫn đầy tiềm năng, hình thức “nghe báo” này hứa hẹn sẽ ngày càng phổ biến hơn không chỉ trong giới trẻ mà còn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của mọi lứa tuổi”, nhà báo Đinh Đăng Tú chia sẻ.

Thực tế cho thấy, ở mỗi cơ quan báo chí địa phương sẽ có cách thu hút bạn đọc khác nhau thông qua loại hình "báo nghe" mới này, nhưng tất cả đều có điểm chung việc lựa chọn các chủ đề một cách sáng tạo, có sức hấp dẫn thính giả. Đó có thể là những tin tức nóng được tổng hợp trong một ngày, về tư vấn sức khỏe hay đơn giản là những tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở đời sống... Người nghe có thể định lượng, tua qua phần ít quan trọng, nghe lại nội dung người ta cảm thấy thú vị.

Sử dụng podcast thành công hay không thì nội dung vẫn quyết định. Nếu nội dung không có gì thì podcast cũng không mang nhiều ý nghĩa. Việc đầu tư công phu, nghiêm túc của mỗi cơ quan báo chí sẽ góp phần đưa loại hình podcast là một kênh phát âm thanh chuyên biệt và hứa hẹn là “mảnh đất” đầy tiềm năng cho sự phát triển của báo chí.

Lê Tâm