Đề xuất xử lý doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc về công bố thông tin hoạt động
(CLO) Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về biện pháp bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin hoạt động doanh nghiệp. Cân nhắc một số cơ chế như nêu tên, xử phạt hành chính đối với trường hợp thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc về công bố thông tin.
Ngày 13/5, phát biểu trước Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật trình ra Kỳ họp thứ 9 đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) ủng hộ phương án các doanh nghiệp được quyết định cho các công ty do doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn với giá trị từng khoản vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và bảo đảm tổng giá trị khoản cho vay không vượt giá trị vốn góp thực tế.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, điều này sẽ giúp cho các tập đoàn, tổng công ty có thể tận dụng được năng lực, phát huy tối đa các nguồn vốn có thể huy động hiện đang nhàn rỗi của mình để hỗ trợ cho các công ty con trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc các tập đoàn, tổng công ty thu xếp vốn và cho các công ty con vay còn giúp cho các công ty con được tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với việc công ty con tự huy động.
Để đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở trong tổ chức thực hiện quy định này sau khi Luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực áp dụng, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu để bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động quyết định về nguồn vốn sử dụng để cho vay cũng như lãi suất cho vay đối với công ty con.
Bên cạnh đó, xem xét bổ sung quy định để đảm bảo việc cho vay trong trường hợp này không bị điều chỉnh, chi phối bởi các luật khác: như không cần thiết phải bổ sung ngành nghề kinh doanh, không phải xin giấy phép/chấp thuận hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng...

Nêu rõ dự thảo Luật đã có quy định về công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, các đại biểu cho biết, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ. Có doanh nghiệp tuân thủ tốt việc công bố thông tin hoạt động, nhưng cũng có doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, như không công bố hoặc công bố rất chậm. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về biện pháp bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin hoạt động doanh nghiệp. Cân nhắc một số cơ chế như nêu tên, xử phạt hành chính đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc về công bố thông tin.
Về chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần vốn nhà nước, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều quy định cụ thể về bảo vệ tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp bên mua trung thực, không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết trước những sai phạm của bên bán; trong quá trình giao dịch quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã được mua xem như được pháp luật bảo vệ.

Trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập, thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.
Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước, Điều 41 của dự thảo Luật quy định: “Người đại diện phần vốn nhà nước không làm việc trực tiếp tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên được hưởng tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu chi trả; thù lao (nếu có) do doanh nghiệp chi trả”. ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) bày tỏ lo ngại quy định với quy định này tại dự thảo Luật sẽ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn liêm chính của thế giới.
Theo đó, quy định như dự thảo Luật sẽ thừa nhận những người đại diện vốn nhà nước không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp vẫn hưởng thù lao do doanh nghiệp chi trả, không đúng với tiêu chuẩn liêm chính chung. “Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lãi, mà người đại diện vốn nhà nước tư vấn, có đóng góp nhất định, thì doanh nghiệp sẽ có ứng xử phù hợp trong khuôn khổ pháp luật cho phép”, đại biểu nêu rõ.