Làm rõ định nghĩa về 'rủi ro' trong nghiên cứu khoa học
(CLO) Đại biểu Quốc hội ủng hộ luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, nhưng yêu cầu làm rõ định nghĩa về “rủi ro”, phân biệt rành mạch với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học.
Chiều 13/5, thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng. Nữ ĐBQH đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (ví dụ: sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...).

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập; thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế "đầu tư rủi ro công", đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
Quan tâm nội dung này, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho biết, khoản 1 điều 9 dự thảo luật quy định: “Tổ chức cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu phạm vi kinh phí”.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy cho rằng, đây là điểm mới được kế thừa có sửa đổi, bổ sung từ quy định của Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với quy định này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, khuyến khích sáng tạo, đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các đề tài khoa học có tính đột phá cao, ông cơ bản thống nhất như dự thảo.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm hài hòa giữa việc khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
“Tôi đề nghị cần làm rõ định nghĩa về “rủi ro” thật cụ thể trong bối cảnh nghiên cứu khoa học công nghệ, phân biệt rành mạch với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu. Cũng như cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư", ông Huy nói.
Đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định về nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như quy định thật chặt chẽ, để tránh lạm dụng quy định chấp nhận rủi ro, gây thất thoát, lãng phí trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.