Tin tức

Đề xuất nâng trần trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ lên 20%

Đăng Khoa 13/05/2025 21:52

(CLO) Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.

Dự thảo Luật lần này gồm 8 chương, 83 điều, tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Việc tăng số điều là do bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại toàn bộ luật, thể hiện sự đổi mới sâu sắc về cách tiếp cận và thiết kế chính sách trong lĩnh vực được xem là động lực phát triển của đất nước.

230320240846-202305241120223784_40.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát

Đáng chú ý, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất những điều chỉnh mang tính đột phá về cơ chế tài chính cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, cho rằng cần quy định rõ mức tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của các bộ, ngành, địa phương dành cho hoạt động đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Theo đại biểu Hà, việc này không chỉ tạo động lực mà còn là áp lực cần thiết để tăng tính ứng dụng thực tiễn trong nghiên cứu. Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị định theo hướng khoán chi để tăng tính chủ động và giảm thủ tục cho các tổ chức chủ trì thực hiện nghiên cứu, đồng thời mở rộng chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm.

Về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 65), đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị nâng mức trích lập tối đa từ thu nhập tính thuế của doanh nghiệp lên 15%, và riêng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa nên là 20%. Cùng với đó, bà đề xuất mở rộng danh mục chi từ quỹ, cho phép chi lương cho nhân sự nghiên cứu, thuê chuyên gia, mua vật tư linh kiện phục vụ thử nghiệm, tham gia hội thảo, kiểm nghiệm sản phẩm, mua thiết bị công nghệ… mà không bắt buộc lập đề tài hoặc nhiệm vụ riêng cho từng khoản chi. Việc này sẽ tăng tính linh hoạt và thực chất trong sử dụng quỹ của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lào Cai, cho rằng dự thảo hiện nay mới chỉ quy định mức trích lập quỹ tối đa 5%, trong khi Nghị quyết 68-NQ/TW của Trung ương đã cho phép mức tối đa là 20%. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh mức trích lập cho phù hợp, đồng thời mở rộng phạm vi sử dụng quỹ, không chỉ phục vụ nghiên cứu nội bộ mà còn đặt hàng nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm – một phương thức linh hoạt đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh đổi mới sáng tạo mở.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh, đánh giá cao việc lần đầu tiên dự thảo Luật luật hóa Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia (Điều 38) và Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp sáng tạo (Điều 39). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần bổ sung các cơ chế giám sát rủi ro và đảm bảo minh bạch do tính đặc thù “cao rủi ro – cao kỳ vọng” của thị trường đầu tư mạo hiểm, đặc biệt khi có thể sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

nguyen-thi-viet-nga-13052025-01.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến vấn đề nhân tài, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương, nhận định dự thảo Luật còn thiếu bao quát khi thiết kế tiêu chí xác định nhân tài. Các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng hay bài báo quốc tế phù hợp với lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhưng chưa phản ánh được đóng góp đặc thù của ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí riêng cho từng nhóm ngành, ví dụ như công trình nghiên cứu có giá trị trong hoạch định chính sách, giáo dục hay được trích dẫn rộng rãi. Điều này sẽ đảm bảo công bằng trong đánh giá và tôn vinh những người có đóng góp học thuật, chính sách.

Kết luận phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của đại biểu Quốc hội. Ông khẳng định Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi, thực tiễn và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự kiến, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này.

Đăng Khoa