Đời sống văn hóa

Hà Nội công bố danh mục di tích, di sản cần bảo vệ, phát huy giá trị

Thế Vũ 14/05/2025 09:19

(CLO) Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về danh mục di tích, di sản cần bảo vệ sẽ là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch...

Tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22) cuối tháng 4 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử; danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn.

6.jpg
Di tích chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)

Theo Nghị quyết này, về di sản văn hóa vật thể, danh mục di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt gồm 22 di tích. Trong đó tiêu biểu như: Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm; Di tích lịch sử Gò Đống Đa; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích kiến trúc nghệ thuật đền - chùa - đình Hai Bà Trưng; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn; Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đại Phùng…

Nghị quyết cũng xác định danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm 1.164 di tích. Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp thành phố gồm 1.600 di tích; danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng gồm 46 di tích; danh mục địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, gồm 354 điểm; danh mục bảo vật quốc gia đã được công nhận gồm 34 bảo vật.

Đối với danh mục di tích tiêu biểu do UBND TP Hà Nội quản lý gồm 10 di tích. Đó là Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích số 5 Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; Cụm di tích hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê; Di tích đền Bà Kiệu và Khu di tích Cổ Loa.

4.jpg
Lễ rước thánh Lý Nam Đế tại hội làng Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Về di sản văn hóa phi vật thể, theo Nghị quyết, danh mục di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh gồm 6 di sản: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội; Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; Hát ca trù; Bia đề danh tiến sĩ các khoa thi triều Lê Mạc (1442 - 1779) Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm 42 di sản; danh mục làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.

Nghị quyết cũng ban hành danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố; các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố.

Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc gồm: danh mục công trình kiến trúc nhà truyền thống, nhà cổ, nhà phố trong khu phố cổ Hà Nội với 209 công trình có giá trị đặc biệt và 318 công trình có giá trị đáng chú ý.

5.jpg
Du khách tham quan Di tích lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám

HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa theo các danh mục; tổ chức tổng kết, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung danh mục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô; nghiên cứu phương án điều chỉnh sửa đổi danh mục phù hợp sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đánh giá, việc HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định danh mục di tích, di sản không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thế Vũ