Động lực nào khiến Đảng Công nhân người Kurd giải thể?
(CLO) Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vừa tuyên bố chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang và tự giải thể sau 4 thập kỷ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ, hứa hẹn mở ra hòa bình lâu dài giữa đôi bên.
Hy vọng hòa bình lâu dài được nhen lên
Thông báo của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) được đưa ra sau lời kêu gọi hồi tháng 2 năm nay của nhà lãnh đạo đang bị giam giữ Abdullah Ocalan, người đã yêu cầu lực lượng này hạ vũ khí và giải thể trước khi đánh giá lại cuộc đấu tranh của họ và quyết định con đường phía trước.

Trong một tuyên bố được đăng tải hôm 12/5 bởi hãng thông tấn Firat, có liên kết với PKK, lực lượng này cho biết họ “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”. “Trên cơ sở này, Đại hội lần thứ 12 của PKK đã quyết định giải thể cơ cấu tổ chức của PKK và chấm dứt phương pháp đấu tranh vũ trang”, tuyên bố của PKK cho biết.
Được thành lập bởi Abdullah Ocalan vào năm 1978, PKK đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang vào năm 1984, chủ yếu hoạt động ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu, lực lượng này đấu tranh cho một nhà nước Kurd độc lập và sau đó đòi hỏi nhiều quyền hơn cho người Kurd, một nhóm dân tộc gồm hàng chục triệu người sống trải khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran. PKK, bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, có các chi nhánh ở cả bốn quốc gia kể trên.
Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa lực lượng này và quân đội chính phủ. Năm 1999, ông Abdullah Ocalan bị các điệp viên Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tại Kenya và đưa về giam giữ trên một hòn đảo ở Biển Marmara. Sau hơn hai chục năm bị cầm tù, nhà lãnh đạo 75 tuổi này cho biết, ông nhận thấy đã đến lúc phải đưa ra quyết định về con đường đấu tranh của người Kurd.
“Tôi đang kêu gọi hạ vũ khí và tôi chịu trách nhiệm lịch sử cho lời kêu gọi này. Tất cả các nhóm phải hạ vũ khí và PKK phải tự giải thể”, Abdullah Ocalan viết trong một lá thư do các đồng minh chính trị của ông đọc tại Istanbul, kèm theo bức ảnh cho thấy ông ngồi cùng các chính trị gia ủng hộ người Kurd.
Lời kêu gọi của ông Abdullah Ocalan cũng như quyết định giải tán sau đó của PKK được giới phân tích chính trị Trung Đông đánh giá cao, bởi nó có thể giúp kết thúc một cuộc xung đột vũ trang dai dẳng đã gây ảnh hưởng khắp khu vực, lan sang miền bắc Iraq và Syria.
Trong một phát biểu sau thông tin PKK tự giải thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ca ngợi đây là một động thái vì "hòa bình và tình anh em”.
Với Ankara, việc chấm dứt xung đột với PKK cũng có thể giúp giải quyết một trong những vấn đề chính trị quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ liên quan đến hàng triệu người Kurd.

Nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq cũng hoan nghênh tuyên bố giải thể của PKK. Bộ Ngoại giao Iraq mô tả động thái này là “một cơ hội quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực hòa bình và chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài”.
Sự hiện diện của PKK ở miền Bắc Iraq từ lâu đã là nguồn căng thẳng chính giữa nước này với quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Baghdad hy vọng quyết định giải thể của PKK sẽ “tăng cường an ninh và ổn định ở Iraq và khu vực”, chấm dứt căng thẳng ở biên giới phía bắc của nước này.
Trước đó, Chủ tịch khu vực bán tự trị người Kurd tại Iraq, Nechirvan Barzani, cho biết quyết định của PKK “thể hiện sự trưởng thành về mặt chính trị ... và đặt nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài có thể chấm dứt nhiều thập kỷ bạo lực”.
Việc chấm dứt cuộc xung đột giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ giúp loại bỏ nguồn căng thẳng giữa Ankara và Washington về quan hệ đối tác quân sự của Mỹ với một số chiến binh người Kurd trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhà Trắng hiện vẫn phân biệt giữa PKK và các thành viên chi nhánh Syria của đảng này - bao gồm cả Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo - vốn đang sát cánh cùng quân đội Mỹ chống lại IS.
Điều gì khiến PKK đưa ra quyết định lịch sử?
Thông báo của PKK được đưa ra trong bối cảnh hơn một năm xung đột đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông nói chung, bao gồm cuộc chiến của Israel với các chiến binh Hamas ở Gaza và các lực lượng dân quân đồng minh với Iran trên khắp khu vực.
Sự suy yếu của Iran, và nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon sau cuộc chiến với Israel, đã góp phần vào sự sụp đổ của chính phủ cựu Tổng thống Assad ở Syria vào cuối năm ngoái. Những thay đổi này sắp xếp lại bản đồ địa chính trị khu vực, loại bỏ một đối thủ chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khiến các chiến binh người Kurd mất đi nhiều hậu thuẫn.
Ông Sinan Ulgen, nhà phân tích chính trị Trung Đông đến từ Quỹ Carnegie Europe cho rằng, sự thay đổi trong chính sách của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, đã ảnh hưởng đến quyết định của PKK.
Việc Mỹ giảm sự hiện diện ở Syria và không còn coi khu vực này là trọng tâm chiến lược khiến các nhóm vũ trang người Kurd, bao gồm PKK, mất đi sự hỗ trợ quan trọng. Ngoài ra, việc chính phủ mới ở Syria có quan hệ tốt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm giảm không gian hoạt động của PKK trong khu vực
Bên cạnh đó, Ankara cũng có những nỗ lực thông qua con đường chính trị để thúc đẩy PKK giải thể. Tháng 10 năm ngoái, ông Devlet Bahceli, lãnh đạo Đảng Phong trào Dân tộc cánh hữu (MHP) và là đối tác trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã đưa ra dấu hiệu công khai đầu tiên khi bắt tay với các thành viên Đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân (DEM) ủng hộ người Kurd trong một phiên họp Quốc hội.
Đó là một sự thể hiện tình hữu nghị chưa từng có giữa hai đảng vốn có sự thù địch sâu sắc từ rất lâu. Vài tuần sau, ông Bahceli đề xuất ân xá cho Ocalan nếu nhà lãnh đạo 75 tuổi này tới phát biểu trước các đại diện quốc hội của Đảng DEM và kêu gọi PKK giải thể.

Vào cuối tháng 2, Tổng thống Erdogan cũng có những động thái khởi động lại tiến trình hòa bình với PKK khi mô tả khả năng giải thể của đảng này là “cơ hội lịch sử để tiến tới mục tiêu phá hủy bức tường khủng bố”.
Sau đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép cháu trai của Ocalan và một phái đoàn của DEM đến thăm ông tại nhà tù, tạo nền tảng cho lời kêu gọi PKK giải thể của nhà lãnh đạo này vào ngày 27/2.
Một số nhà phân tích cho rằng việc khởi động tiến trình hòa binh với PKK cũng phục vụ mục tiêu chính trị của ông Erdogan, nhằm củng cố quyền lực và mở đường cho các thay đổi hiến pháp có thể giúp ông tiếp tục cầm quyền sau năm 2028. Tuy nhiên, quyết định của PKK trên hết vẫn đến từ mong muốn nội tại của lực lượng này.
Sau hơn 40 năm xung đột, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị ảnh hưởng, cả PKK và cộng đồng người Kurd đều mong muốn chấm dứt bạo lực. Abdullah Ocalan và các lãnh đạo PKK nhận thấy rằng đấu tranh chính trị thông qua các đảng phái và tổ chức xã hội sẽ mang lại hiệu quả hơn so với đấu tranh vũ trang.
Việc tổ chức Đại hội lần thứ 12 của PKK và quyết định giải thể là kết quả của quá trình chuyển hướng nhận thức đó, đồng thời cho thấy một sự đồng thuận nội bộ PKK về việc cần thiết phải tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững.
Và thông điệp của PKK rằng họ đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử", chuyển sang con đường chính trị chính là sự khẳng định về một sự thay đổi chiến lược nhằm đạt được quyền lợi cho người Kurd thông qua các kênh đối thoại, mở rộng không gian cho đại diện chính trị của người Kurd trong chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.