Thị trường - Doanh nghiệp

‏Nga có thể cạn kiệt dự trữ tài chính vào mùa thu‏

‏Dũng Phan ‏‏(Theo Business Insider)‏ 14/05/2025 13:45

‏(CLO) Dự trữ thanh khoản của Nga giảm còn 31 tỷ USD, có thể cạn vào mùa thu, đe dọa kế hoạch chi 130,5 tỷ USD quốc phòng.‏

‏Nga đang đứng trước một thách thức lớn đối với nỗ lực chiến tranh trong năm 2025 khi nguồn tiền mặt của quốc gia này có nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng. Theo dự báo của một nhà kinh tế châu Âu, dự trữ tài chính của Nga có thể sẽ hết sạch trước khi năm nay khép lại.‏

770-202505140710281.png
‏Điện Kremlin, Nga. Ảnh: Chan Srithaweeporn‏

‏Nhà kinh tế Thụy Điển Anders Åslund, người từng là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định rằng dự trữ thanh khoản trong Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga có thể sẽ cạn kiệt vào mùa thu năm nay. ‏

‏Điều này đặt ra mối lo ngại nghiêm trọng cho các kế hoạch quân sự của Nga trong năm 2025, bởi trong nhiều năm qua, nước này đã phụ thuộc rất lớn vào nguồn quỹ tài sản của mình.‏

‏Theo ghi nhận của ông Åslund, dự trữ thanh khoản trong quỹ tài sản đã giảm mạnh từ mức 117 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 31 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, dựa trên ngân sách năm 2025, Nga dự kiến sẽ chi một khoản kỷ lục lên tới 130,5 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay.‏

‏Trong bài bình luận đăng trên Project Syndicate hôm thứ Ba, ông Åslund nhấn mạnh: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tài chính ngân sách. Dự trữ thanh khoản cuối cùng của Nga nhiều khả năng sẽ cạn kiệt vào mùa thu năm 2025. Khi đó, việc cắt giảm ngân sách là điều khó tránh khỏi”. ‏

‏“Trong giai đoạn chờ đợi, nền kinh tế chiến tranh có thể buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả và phân phối hàng hóa, những cách làm từng xuất hiện thời Liên Xô. Khi nguy cơ khủng hoảng tài chính ngày càng gia tăng, nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga sẽ tạo ra những trở ngại lớn cho kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin".‏

‏Sự suy giảm nhanh chóng của Quỹ Tài sản Quốc gia Nga một phần bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn đã khiến nước này không thể vay mượn từ các quốc gia khác. ‏

‏Ông Åslund chỉ ra rằng tổng nợ nước ngoài của Nga đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, từ mức 729 tỷ USD vào năm 2023 xuống còn khoảng 293 tỷ USD vào tháng 9 năm 2024.‏

‏Khả năng tài trợ hạn chế cho cuộc chiến không chỉ đe dọa nỗ lực quân sự mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. ‏

‏Ông Åslund liệt kê hàng loạt thách thức như lạm phát tăng cao, giá trị đồng tiền giảm sút và tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Đây đều là những yếu tố mà các nhà kinh tế cảnh báo có thể kìm hãm triển vọng tăng trưởng dài hạn của Nga.‏

‏Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên khẳng định nền kinh tế nước này vẫn vững mạnh, thậm chí còn được tôi luyện nhờ các lệnh trừng phạt của phương Tây, dù ông cũng đồng thời kêu gọi dỡ bỏ chúng. ‏

‏Tuy nhiên, ông Åslund nhận định thực tế lại khác: "Nga đang tiến gần đến tình trạng lạm phát đình trệ, khi lạm phát tăng cao song tăng trưởng kinh tế lại gần như không đáng kể".‏

‏Không chỉ ông Åslund, nhiều chuyên gia khác cũng đưa ra dự báo kém lạc quan về kinh tế Nga. Một số ý kiến cho rằng những khó khăn kinh tế có thể khiến Nga không thể duy trì cuộc chiến. ‏

‏Nhà kinh tế châu Âu Renaud Foucart từng nhận xét vào năm ngoái rằng Moscow dường như không đủ khả năng tài chính để giành chiến thắng hay chấp nhận thất bại trong cuộc xung đột.

Gần đây, Hội đồng Đại Tây Dương cũng dự đoán các vấn đề kinh tế của Nga có thể buộc nước này phải chấm dứt xung đột với Ukraine vào năm 2025.‏

‏Dũng Phan ‏‏(Theo Business Insider)‏