Tin tức

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Sửa Hiến pháp phù hợp thực tiễn, Trung ương thống nhất, nhân dân đồng tình

Quốc Trần (Thực hiện) 15/05/2025 06:49

(NB&CL) Từ ngày 6/5, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được công bố và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trên cả nước. Mặc dù chỉ sửa đổi 8/120 điều của Hiến pháp nhưng lần sửa đổi, bổ sung này lại mang những ý nghĩa quan trọng trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP.HCM để làm rõ hơn ý nghĩa cũng như những nội dung chủ yếu và việc đóng góp ý kiến cho việc sửa Hiến pháp.
+ Xin ông cho biết trọng tâm của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này? Ý nghĩa quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay?

- Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Hiến pháp được sửa đổi lần này gồm có nội dung là: Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, việc sửa đổi Hiến pháp tập trung vào hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cụ thể, chính quyền địa phương 2 cấp gồm có cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp dưới tỉnh, thành phố.
Đồng thời, quy định chính quyền địa phương phải có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND).
Theo tôi, điều này là rất phù hợp với chủ trương hiện nay là chính quyền phải gần dân, đáp ứng nhu cầu về thủ tục hành chính của người dân. Tức thủ tục hành chính cấp xã phải giải quyết gần như đầy đủ, trọn vẹn cho nên cấp xã phải có HĐND để quyết định những vấn đề quan trọng của từng địa phương.
Cho nên, tôi thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 rất phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đường lối của Đảng, Nhà nước và nhất là trong thời gian vừa qua Hội nghị Trung ương đã thống nhất và khi lấy ý kiến nhân dân rất đồng tình cho việc sửa đổi lần này.

01.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

+ Đối với các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, là Đại biểu Quốc hội, ông có kiến nghị xem xét nội dung nào?
- Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Tôi có đề xuất, kiến nghị cụ thể là ở khoản 3 Điều 110 của Hiến pháp sửa đổi lần này, đó là: Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Theo tôi, việc này phải lấy ý kiến, đó là lấy ý kiến của đại biểu HĐND của đơn vị hành chính bị tác động nhằm thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới.
Ở khoản 2 điều 115: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Về nội dung này, theo tôi, đại biểu HĐND cấp tỉnh được quyền chất vấn Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, còn đại biểu HĐND cấp xã không có quyền này bởi tại cấp xã không có Tòa án, Viện Kiểm sát.
+ Việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 đang được các cơ quan, địa phương gấp rút thực hiện, theo ông đâu là điểm mới và cần đảm bảo nguyên tắc nào trong việc lấy ý kiến lần này?

- Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 lần này có điểm mới là người dân có thể trực tiếp đọc và gửi góp ý thông qua ứng dụng VNeID từ nay đến hết ngày 29/5. Dựa trên phản hồi của người dân, Bộ Công an sẽ tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung của Chính phủ.
Việc lấy ý kiến từ ứng dụng công nghệ sẽ đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện nhất cho Nhân dân cũng như việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân của cơ quan có thẩm quyền về sửa đổi Hiến pháp.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải đảm bảo trình tự, lắng nghe ý kiến nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch, tính công bằng, dân chủ, văn minh.
+ Xin cảm ơn ông!

Quốc Trần (Thực hiện)