Mỹ thuật Việt Nam có gì để “khoe” với thế giới?
(NB&CL) Mỹ thuật Việt Nam có một nền tảng di sản truyền thống sống động, phong phú, có nhiều nghệ sĩ thành danh. Tuy nhiên, để bước ra thế giới một cách độc lập và tự tin, người nghệ sĩ cần tiếp thu những giá trị truyền thống nhưng cũng phải biết làm mới di sản đó.
Di sản là “mảnh đất màu mỡ”
Tại art talk “Đương đại trên nền di sản” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, các nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp thu yếu tố truyền thống nhưng cũng phải làm mới di sản; phải tìm tòi, sáng tạo để tạo nên những giá trị mới, đóng góp vào sự phát triển của dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Theo bà Trương Uyên Ly - chuyên gia độc lập trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, “Đương đại trên nền di sản” là cuộc đối thoại đa chiều giữa nghệ sĩ, phòng tranh và những người yêu nghệ thuật, nhằm khám phá mối giao thoa giữa nghệ thuật đương đại và giá trị di sản, đồng thời chia sẻ những kỹ năng cần thiết giúp họa sĩ Việt được tiếp cận với nhà sưu tầm trong và ngoài nước. Sự kiện này được truyền cảm hứng bởi những vận động mới trong đời sống nghệ thuật Việt Nam, đó là kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương và những tín hiệu sôi động trên thị trường nghệ thuật khi những tác phẩm hội họa của thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đang quay trở lại Việt Nam.
.jpg)
Nhận định về những giá trị của di sản truyền thống, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, nghệ thuật Việt Nam không thể có ngày hôm nay nếu tách rời khỏi nền tảng truyền thống và các di sản của quá khứ. Ông khẳng định, mỹ thuật truyền thống Việt Nam đã “gặp gỡ” hiện đại từ thời điểm trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời.
“Đó là niềm vinh dự, niềm kiêu hãnh của mỹ thuật Việt Nam. Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, chúng ta có ngôi trường đào tạo về mỹ thuật đầu tiên và rất sớm, có những người thầy rất giỏi. Từ tư duy của các thầy để lại, từ truyền thống, các nghệ sĩ tiếp bước sáng tạo trên nền tảng ấy”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.
Ông Hòa cho biết thêm, có rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam thành danh, chúng ta đã có nhiều tên tuổi lớn và những bậc thầy về hội họa bởi họ biết dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Nhờ có kho tàng nghệ thuật đồ sộ và phong phú ấy mà chúng ta có “tiếng nói” trong khu vực và trên thế giới. Đó là điều cá nhân ông luôn trân trọng.
Các diễn giả cũng cho rằng, truyền thống là một “kho tàng” sống động, phong phú, nơi lưu giữ kỹ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc và tâm hồn Việt qua nhiều thế hệ. Di sản, truyền thống hiện diện trong mọi khía cạnh đời sống như kiến trúc, thủ công, ẩm thực hay mối quan hệ con người với thiên nhiên. Khi nghệ sĩ tiếp cận di sản truyền thống với sự trong sáng, với lòng biết ơn và tinh thần học hỏi, đây sẽ là chất liệu sống, là “mảnh đất màu mỡ” để gieo trồng những biểu đạt nghệ thuật đương đại.
Đứng ở góc nhìn đó, họa sĩ Ngô Văn Sắc - người giành Giải bạc hạng mục Nghệ sĩ thành danh của Cuộc thi UOB Painting of the Year 2024 cho rằng, di sản gắn liền với ký ức, văn hóa và cảm xúc của nghệ sĩ. Di sản là chất liệu sống, từ phong tục, kỹ thuật thủ công đến thẩm mỹ dân gian, tất cả đều là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng sáng tạo và đây là thuận lợi rất lớn đối với những nghệ sĩ Việt Nam.
Lạm dụng truyền thống, di sản dễ trở thành “vỏ bọc mỹ thuật”
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, di sản không phải là “tượng đài” bất biến mà là thực thể sống cần được hiểu, cảm và làm mới bằng góc nhìn của mỗi cá nhân. Di sản là “kho báu”, nhưng để sáng tạo và thành công với nền tảng này không phải khi nào cũng là con đường thuận lợi cho các nghệ sĩ. Do đó, việc khai thác truyền thống nếu người nghệ sĩ chỉ dừng lại ở sao chép, mô phỏng hình thức sẽ khiến nghệ thuật trở nên khô cứng, mất sức sống.
.jpg)
“Đôi khi trong nghệ thuật yếu tố truyền thống bị lạm dụng. Chúng ta phải biết tiếp thu những cũng phải biết làm mới những truyền thống đó thì mới có thể có những đóng góp mới hơn cho nghệ thuật. Nhiều khi chúng ta cứ sa ngã, chúng ta thấy hay, thấy đẹp rồi bê nguyên nó vào mà không qua tìm tòi, sáng tạo thì chúng ta sẽ dừng lại với một lối mòn”, ông Hòa cảnh báo.
Còn theo họa sĩ Ngô Văn Sắc, giá trị của tác phẩm không nằm ở chất liệu truyền thống hay đề tài - những chi tiết rất dễ nhận ra trong văn hóa Việt như cây đa, bến nước, sân đình… mà ở cách nghệ sĩ đặt tâm hồn vào đó. Nghệ sĩ cần phân biệt giữa hình thức và tinh thần, giữa việc “dựa vào di sản” và “bám víu vào khuôn mẫu”. Sự kết nối với truyền thống chỉ có giá trị khi xuất phát từ cảm xúc chân thật, bởi nếu không, di sản dễ trở thành “vỏ bọc mỹ thuật”, che lấp sự hời hợt trong tư duy sáng tạo.
Từ thực tiễn đời sống nghệ thuật, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng cho rằng, trong thời đại không gian mở rộng như hiện nay, khi thông tin đa dạng, ồ ạt và dễ tiếp cận, nếu không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo thì người nghệ sĩ dễ bị phân tâm, thậm chí mất tự tin, “nao núng” trên con đường nghệ thuật của mình. Theo ông, để nói về khai thác truyền thống, về sáng tạo trên nền di sản thì dễ nhưng để làm được thì không hề đơn giản. Trong thời đại chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể biết các họa sĩ trên thế giới nghĩ gì, làm gì thì ảnh hưởng của truyền thống, của dòng chảy nghệ thuật thế giới đối với người nghệ sĩ là rất lớn. Ảnh hưởng ấy, đối với người mới vào nghề thì mang ý nghĩa tích cực, nhưng sẽ không tốt nếu người nghệ sĩ muốn phát triển lâu dài và muốn khẳng định mình.
“Tôi được tham gia nhiều hội đồng chấm thi thì thấy có những họa sĩ trẻ rất có năng lực, có cái nhìn rất tốt, có quan điểm rất hay nhưng đến khi vào những tác phẩm cụ thể thì lại có sự lúng túng. Họ thiếu cách nhìn riêng biệt để biểu hiện quan niệm cá nhân dẫn đến việc nhồi nhét một cách tham lam. Vì nhiều thông tin quá, họ làm cái này lại tiếc cái kia hoặc họ không đặt mình vào một vị trí nhất định”, ông Hòa nhận xét.
Từ những phân tích này, họa sĩ Đặng Xuân Hòa đưa ra “lời khuyên” đối với các họa sĩ trẻ rằng hãy quay về với bản ngã, với nhận thức riêng của mình, không nên tham lam, sa đà và lạm dụng truyền thống hay cái gọi là “hiện đại”. Không nên vì đọc được ở đâu đó, xem được ở đâu đó một ý tưởng gì hay rồi mãi “nặn bóp” chúng, trong khi bản thân nghệ sĩ không có những thứ đó trong đầu.
Dù vậy, với con mắt của người nhiều lần ngồi ghế giám khảo các cuộc thi ở khu vực Đông Nam Á, ông Hòa vẫn cho rằng, các họa sĩ Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực về cả số lượng nghệ sĩ lẫn chất lượng tác phẩm. Theo ông, các họa sĩ Việt Nam có “sự vươn tới, sự bắt gặp nghệ thuật đương đại” lôi cuốn hơn, mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, tác phẩm của họa sĩ người Việt mang tâm hồn con người bản địa đậm đà hơn, không dễ gì mà trộn lẫn được.
.jpg)
“Các bạn Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan… thường vẽ với một giọng điệu quen thuộc quá rồi nên mặc dù đó là những tác phẩm tốt nhưng sự xuất hiện của họ không còn nhiều mới mẻ nữa. Nghệ thuật dù kỹ xảo, kỹ thuật có tốt đến đâu thì ấn tượng để lại đối với người thưởng ngoạn vẫn phải là tâm hồn, đó là thế mạnh của họa sĩ Việt Nam. Các cuộc thi thường ưu tiên những tác phẩm vừa có cách nhìn mới, vừa có tư duy hiện đại nhưng phải có chiều sâu tâm hồn. Tâm hồn ấy trong tranh của các họa sĩ Việt chính là di sản của chúng ta”, ông Hòa chốt lại.