Hà Nội: Dấu hiệu lãng phí từ những chợ dân sinh đầu tư tiền tỷ
(NB&CL) Dù được đầu tư xây dựng cả chục tỷ đồng, nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người. Trong khi đó, những khu chợ cóc nằm trong các con ngõ nhỏ, hàng ngày làm mất mỹ quan đô thị, gây cản trở giao thông vẫn đông nghịt người...
Những khu chợ đầu tư cả chục tỷ đồng nằm “đắp chiếu”
Chợ dân sinh được xây dựng với mục đích giảm thiểu chợ cóc, cải thiện mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Nhưng hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, nhiều khu chợ dân sinh được xây dựng mới rơi vào tình trạng bỏ hoang hoặc ế ẩm.
Chợ Phúc Lý, phường Minh Khai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ. Được xây dựng trên diện tích hơn 3.900m2, khởi công từ tháng 10/2010 và sau 7 năm mới hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.

Tháng 10/2017, UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành Quyết định số 8120/QĐ-UBND giao Ban quản lý chợ Phúc Lý tiếp nhận, quản lý và xây dựng phương án kinh doanh khai thác theo quy định. Với mong muốn thu hút các tiểu thương, tạo ra một nơi giao thương quy mô và hoạt động ổn định, tuy nhiên, do thói quen của người dân cũng như hạ tầng giao thông kết nối chưa thuận lợi, hiệu quả buôn bán lại thấp nên nhiều tiểu thương không mấy mặn mà. Dẫn tới tình trạng hoang hóa, xuống cấp theo thời gian.
Hiện khu chợ này treo biển mời các tiểu thương đến thuê ki ốt buôn bán nhưng không có bất cứ tiểu thương nào vào kinh doanh. Cả hai cổng của chợ đều được khóa kín, cả chục tỷ đồng nằm phơi sương giữa cánh đồng hoa Tây Tựu.
Thực trạng tương tự thậm chí có phần ảm đạm hơn xuất hiện ở chợ Xuân Phương (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm). Ghi nhận thực tế, khu chợ này cỏ mọc cao quá đầu người. Cổng vào chợ đóng khóa cài then đã lâu, khóa cổng còn đã ở trạng thái hoen gỉ. Xung quanh chợ cỏ mọc um tùm, một số hạng mục xây dựng dở dang đang xuống cấp. Phía bên trong trở thành điểm tập kết rác thải, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị.
Được biết, chợ Xuân Phương được đầu tư xây dựng từ năm 2016 với số vốn đầu tư gần 18 tỷ đồng. Sau gần 10 năm, mặc dù nằm vị trí đắc địa giữa ngã tư, gần các trường học, sát mặt tuyến đường đôi nối khu đô thị Xuân Phương đến Quốc lộ 32 nhưng khối tài sản gần 18 tỷ đồng này vẫn nằm im bất động.

Bà Trần Thị Hoa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay người dân đi chợ phải ra chợ cóc hoặc phải đi sang chợ Vân Canh (Hoài Đức) với khoảng cách khá xa. “Chợ Xuân Phương đã xong các hạng mục chợ chính từ khá lâu nhưng theo thời gian không hoạt động và sử dụng để cỏ mọc um tùm. Chúng tôi cũng mong muốn có chợ gần nhà để thuận tiện mua bán nhưng chắc phải còn rất lâu nữa…”
Một khu chợ còn gây nhiều nhức nhối nữa là chợ dân sinh Tây Mỗ, được chấp thuận vào ngày 7/5/2013. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ thì dự án dừng lại.
Từ tháng 1/2025, dự án lại nhúc nhích triển khai trở lại, tuy nhiên theo ý kiến của một số người dân sinh sống tại phường Tây Mỗ cho biết, trước thời điểm thi công lại, cả dự án thành nơi tụ tập của tệ nạn xã hội và rác thải. Hầu hết các bộ cửa sổ, cửa ra vào đều bị kẻ gian tháo trộm. Đến cả những ổ cắm, công tắc điện cũng bị cậy sạch.

Cần sớm có giải pháp “đưa người về với chợ”
Thực trạng nhu cầu của người dân với chợ dân sinh quy củ và khang trang là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để những dự án đầu tư đáp ứng được đúng mục tiêu đề ra vẫn là một bài toán cần từng bước tháo gỡ.
Ông Hà Quốc Tiến – một người dân sinh sống tại quận Nam Từ Liêm cho rằng: “Cần phải truy soát nguyên nhân từ đâu các chợ dân sinh này bỏ hoang. Nếu đã biết được nguyên nhân thì chính quyền địa phương và ban quản lý chợ cùng nhau đưa ra giải pháp và hành động quyết liệt. Nếu các chính sách hỗ trợ tốt cho các tiểu thương tôi tin các chợ này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Còn nếu chúng ta cứ nêu ra và để đấy thì mãi mãi không giải quyết được vấn đề. Chợ hoang vẫn hoàn chợ hoang mà thậm chí nhà nước còn phải chi kinh phí để sửa chữa cải tạo vì xuống cấp. Với những dự án còn đang dang dở phải gấp rút đưa vào hoàn thiện, không thể nào có chuyện xây một cái chợ dân sinh mà 5-7 năm làm chưa xong, cần phải quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, lãng phí.”

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên được biết, năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3766 gửi các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố yêu cầu tổng rà soát toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài thuộc nhiều lĩnh vực để tìm giải pháp hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí… Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị được giao thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Hy vọng với những động thái của UBND TP. Hà Nội sẽ đem lại hiệu quả nhằm xóa bỏ tình trạng lãng phí, đồng thời đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.